PHẦN I
CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ, CHIẾN CÔNG OANH LIỆT
CỦA SỰ NGHIỆP CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC, GIẢI PHÓNG
HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC
Ngày 30/4/1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi sau gần 21 năm chiến đấu gian khổ và ác liệt nhất trong lịch sử kháng chiến của dân tộc. Đây là thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội trong thế kỷ XX do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi chiến công của dân tộc ta trên con đường dựng nước và giữ nước suốt hàng ngàn năm lịch sử.
48 năm đã trôi qua, nhưng thắng lợi và bài học kinh nghiệm được rút ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc vẫn in dấu ấn sâu đậm trong lòng Nhân dân ta và bạn bè tiến bộ yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do, công lý trên thế giới và vẫn là sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
I. THẮNG LỢI CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC
1. Bối cảnh quốc tế và trong nước
Trên thế giới, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc Mỹ có tiềm lực rất mạnh, nổi lên cầm đầu phe đế quốc, hiếu chiến và âm mưu bá chủ thế giới, từng bước khẳng định sự có mặt ở Đông Dương. Sau thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, chủ nghĩa thực dân cũ sụp đổ, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam, áp đặt chủ nghĩa thực dân mới, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Lúc này trên thế giới đã phân chia thành hai hệ thống đối đầu gay gắt bằng cuộc “chiến tranh lạnh” và chạy đua vũ trang quyết liệt. Hệ thống chủ nghĩa xã hội (CNXH), phong trào công nhân ở các nước tư bản, phong trào giải phóng dân tộc ở khắp nơi trên thế giới dâng cao.
Trong nước, sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được giải phóng và bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam vẫn dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai. Đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trở thành nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân tộc ta.
2. Những bước phát triển của cuộc kháng chiến
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta đã trải qua gần 21 năm, là cuộc chiến tranh cứu nước dài ngày nhất, ác liệt và phức tạp nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Đảng và Nhân dân ta phải đấu trí, đấu sức chống tên đế quốc giàu mạnh và hung bạo nhất trong phe đế quốc. Cuộc kháng chiến này đã trải qua nhiều giai đoạn, phải đối phó lần lượt với các kế hoạch, chiến lược của đế quốc Mỹ.
2.1. Giai đoạn từ tháng 7/1954 đến hết năm 1960: Đấu tranh giữ gìn lực lượng, chuyển dần sang thế tiến công, làm thất bại bước đầu phương thức chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ
Những chiến thắng oanh liệt trong kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã buộc thực dân Pháp và can thiệp Mỹ phải ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Campuchia và Lào. Nhưng với những mưu đồ đã dự tính từ trước, đế quốc Mỹ trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ, hất cẳng Pháp, gạt bỏ những thế lực tay sai của Pháp, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, thực hiện chính sách thực dân mới, mưu đồ chia cắt lâu dài đất nước ta. Chính quyền Mỹ - Diệm tập trung thực hiện biện pháp “tố cộng”, “diệt cộng”, đàn áp, khủng bố phong trào yêu nước, trả thù những người kháng chiến cũ, tiêu diệt cơ sở cách mạng ở miền Nam, ban hành Luật 10/59 “đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, biến cả miền Nam thành nơi tràn ngập nhà tù, trại giam, trại tập trung. Cách mạng miền Nam bị dìm trong biển máu.
Đứng trước tình thế mới, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo quân và dân cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Một là cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành căn cứ vững mạnh của cách mạng cả nước. Hai là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam nhằm giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà. Thực hiện nhiệm vụ trên, miền Bắc tích cực triển khai những công việc bộn bề sau chiến tranh, nhanh chóng tổ chức cuộc sống mới. Trong ba năm (1958 - 1960), chúng ta đã hoàn thành về cơ bản công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, căn bản xóa bỏ chế độ bóc lột, bước đầu xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo con đường đi lên CNXH, chuẩn bị một số nội dung cho cách mạng cả nước trong giai đoạn mới. Ở miền Nam, cuộc đấu tranh diễn ra vô cùng khó khăn, ác liệt, nhưng đại bộ phận Nhân dân vẫn một lòng theo Đảng, bất khuất chống áp bức, khủng bố, bảo vệ lực lượng cách mạng. Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời, xác định rõ mục tiêu, phương pháp cách mạng miền Nam, mối quan hệ chiến lược của cách mạng hai miền, giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới; phản ánh đúng nhu cầu của lịch sử, giải quyết kịp thời yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam; định hướng và động viên Nhân dân miền Nam vùng lên đấu tranh, tạo ra phong trào Đồng khởi (1959 - 1960), xoay chuyển tình thế cách mạng miền Nam, làm tan rã hàng loạt bộ máy của ngụy quyền ở các thôn, xã.
2.2. Giai đoạn từ đầu năm 1961 đến giữa năm 1965: Giữ vững và phát triển thế tiến công, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ
Từ cuối năm 1960, đế quốc Mỹ thay đổi chiến lược, chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đối phó với cách mạng miền Nam. Đó là chiến lược dùng tay sai là quân đội ngụy làm công cụ tiến hành chiến tranh, càn quét, dồn dân vào ấp chiến lược, đưa 10 triệu nông dân miền Nam vào các trại tập trung, tách lực lượng cách mạng ra khỏi Nhân dân. Cuộc đấu tranh của Nhân dân miền Nam chuyển sang giai đoạn mới, từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng, kết hợp song song cả đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, đánh địch bằng cả ba mũi giáp công, trên cả ba vùng chiến lược, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và tay sai. Trên miền Bắc, các mặt trận kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng đều có bước phát triển mới. Quân và dân miền Bắc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu và chi viện cho miền Nam.
2.3. Giai đoạn từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968: Đảng phát động toàn dân kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam, đánh thắng cuộc phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ nhất ở miền Bắc
Trước nguy cơ phá sản của “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, sử dụng quân đội Mỹ là lực lượng cơ động chủ yếu tiêu diệt bộ đội chủ lực ta; dùng ngụy quân, ngụy quyền để bình định, kìm kẹp Nhân dân, âm mưu đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng 25 đến 30 tháng (từ giữa 1965 đến hết 1967), đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân. Trước việc thay đổi chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (3/1965), nhất là Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (12/1965), Đảng ta đã đánh giá tình hình chiến lược mới một cách bình tĩnh, sáng suốt và đề ra chủ trương đối phó đúng đắn, chủ động và sáng tạo, tạo nên sự nhất trí rất cao trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cả nước một lòng, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, quân và dân ta ở miền Nam đã đánh thắng quân viễn chinh Mỹ ngay từ những trận đầu khi chúng vừa đổ bộ vào. Đó là những trận thắng oanh liệt ở Núi Thành, Vạn Tường, Plei Me, Đất Cuốc, Bầu Bàng; đánh bại ba cuộc hành quân lớn của Mỹ vào miền Đông Nam Bộ, đánh thắng lớn ở các chiến trường Tây Nguyên, miền Tây khu V, Đường 9, đồng bằng Nam Bộ và các mục tiêu chủ yếu của địch ở các thành phố lớn. Quân dân miền Bắc liên tục đánh trả cuộc tiến công của Mỹ bằng không quân và hải quân, giành những thắng lợi lớn trên nhiều mặt, bảo đảm giao thông thông suốt, chi viện sức người, sức của, ngày càng lớn cho miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pari, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn mới. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 của ta đã tạo bước ngoặt quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khởi đầu một quá trình đi xuống về chiến lược của đế quốc Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.
2.4. Giai đoạn từ năm 1969 đến năm 1973: Phát huy sức mạnh liên minh chiến đấu Việt Nam với Lào, Campuchia, làm thất bại một bước chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ hai ở miền Bắc, tạo thế mạnh trong đàm phán
Sau khi thất bại nặng nề của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đế quốc Mỹ thi hành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, từng bước mở rộng chiến tranh sang Campuchia, Lào. Thủ đoạn xảo quyệt của Mỹ là thực hiện chiến tranh hủy diệt và chiến tranh giành dân, chiến tranh bóp nghẹt để làm suy yếu cuộc kháng chiến của Nhân dân ta trên cả hai miền Nam - Bắc. Về phía ta, đã từng bước kiểm điểm những khuyết điểm từ sau Xuân 1968, Đảng ta đã đưa ra chủ trương chuyển hướng tiến công, lấy nông thôn làm hướng tiến công chính, tập trung ngăn chặn và đẩy lùi các chương trình bình định nông thôn của địch.
Quân và dân ta phối hợp với quân, dân hai nước Lào, Campuchia đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Những thắng lợi của chiến tranh cách mạng ba nước Đông Dương trong hai năm 1970 - 1971 đã tạo thuận lợi cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta. Nhờ chuẩn bị tốt lực lượng, nhằm đúng thời cơ, quân và dân ta đã liên tiếp giành thắng lợi lớn trên chiến trường, nhất là cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ở miền Bắc, nổi bật là đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ, làm thay đổi cục diện chiến trường, cục diện chiến tranh. Trong đàm phán, chúng ta cũng khôn khéo tiến công địch, phối hợp chặt chẽ giữa “đánh và đàm”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, rút hết quân Mỹ và quân các nước chư hầu ra khỏi miền Nam. So sánh lực lượng thay đổi hẳn, có lợi cho ta, tạo điều kiện cơ bản nhất để ta giành thắng lợi cuối cùng.
2.5. Giai đoạn từ cuối năm 1973 đến ngày 30/4/1975: Tạo thế và lực, tạo thời cơ, kiên quyết tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước
Sau khi ký Hiệp định Pari, mặc dù buộc phải rút hết quân nhưng đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục âm mưu dùng ngụy quân, ngụy quyền làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Mỹ tăng cường tiền của, vũ khí, phương tiện chiến tranh cho ngụy lấn đất, giành dân, khống chế Nhân dân, thực hiện các hoạt động ngoại giao xảo quyệt để ngăn chặn sự phát triển của cách mạng miền Nam. Đến tháng 5/1973, xu thế chống phá Hiệp định Pari của địch ngày càng tăng. Chúng điên cuồng đánh phá hòng xóa bỏ vùng giải phóng của ta, đẩy lùi lực lượng cách mạng.
Trước tình hình trên, tháng 7/1973, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 21 đã khẳng định con đường cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực và đề ra các nhiệm vụ lớn cho hai miền Nam - Bắc. Nữa cuối năm 1974, cuộc chiến tranh của quân và dân ta ở miền Nam chống lại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đã giành được thắng lợi. Ta ngày càng mạnh lên, ngụy ngày càng suy yếu rõ rệt. Nước Mỹ lâm vào khủng hoảng nội bộ. Tháng 7/1974, Đảng ta chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976, nếu thời cơ đến sẽ giải phóng miền Nam trong năm 1975. Thắng lợi của toàn Miền, nhất là của miền Đông Nam Bộ, đặc biệt là chiến thắng giải phóng tỉnh Phước Long cuối năm 1974 - đầu năm 1975 càng cho thấy thực tế suy yếu của quân ngụy Sài Gòn và khả năng Mỹ khó quay lại Việt Nam. Đảng ta nhận định thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 bắt đầu từ ngày 04/3 bằng ba đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định kết thúc vào ngày 30/4. Qua gần 2 tháng chiến đấu với sức mạnh áp đảo về chính trị, quân sự, quân và dân ta đã giành được toàn thắng, kết thúc 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
II. KHÁNH HÒA KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC
1. Nỗ lực phấn đấu vượt khó khăn thử thách, kịp thời chuyển phương châm, phương thức đấu tranh sang thế tiến công đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Nhân dân Khánh Hoà cùng cả nước đã giành thắng lợi vẻ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (20/7/1954) kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Nhưng với mưu đồ tiêu diệt bằng được phong trào yêu nước của Nhân dân ta, thôn tính miền Nam chia cắt lâu dài đất nước, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và là căn cứ quân sự của Mỹ, lập phòng tuyến ngăn chặn chủ nghĩa xã hội lan xuống Đông Nam Châu Á, đế quốc Mỹ đã ép Pháp dựng nên chế độ độc tài Ngô Đình Diệm hòng thống trị miền Nam Việt Nam. Để thực hiện được mưu đồ, đế quốc Mỹ đã triển khai “chiến tranh một phía.
Trước tình hình trên, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Khánh Hoà cùng với cả nước bước vào giai đoạn cách mạng mới, chống đế quốc Mỹ. Đây là cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và oanh liệt nhất trong lịch sử của quê hương, đất nước. Vượt qua khó khăn trong những năm đầu chống Mỹ cứu nước, quân và dân Khánh Hòa đã bền bỉ đấu tranh chống chính sách “tố cộng”, “diệt cộng”, kiên quyết bảo tồn lực lượng cách mạng. Từ năm 1960, thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, cùng với khí thế của toàn miền, phong trào cách mạng ở Khánh Hòa chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tấn công. Ở miền núi, quân và dân ta đã bẻ gãy các cuộc càn quét của địch, giải phóng miền núi và xây dựng miền núi thành căn cứ địa vững chắc cho phong trào kháng chiến toàn tỉnh. Ở đồng bằng, Nhân dân đồng khởi giành quyền làm chủ và lỏng kèm một mảng lớn vùng nông thôn, đưa phong trào đấu tranh bằng quân sự, chính trị, binh vận, thực hiện ba mũi giáp công lên từng bước, làm thất bại “quốc sách ấp chiến lược” xương sống “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy.
Tháng 8/1961, Hội nghị Tỉnh ủy đặt mạnh vấn đề tập trung sức phá kế hoạch gom dân, lập ấp chiến lược của địch. Từ đó, phong trào đấu tranh vũ trang trong tỉnh ngày một phát triển. Lực lượng vũ trang của tỉnh liên tục tấn công vào các đồn bót, trụ sở và triệt phá nhiều ấp chiến lược của địch ở khắp các huyện, thị. Từ cuối năm 1964 đến năm 1965, được sự hỗ trợ tích cực của lực lượng vũ trang, phong trào đồng khởi ở đồng bằng nổi lên mạnh mẽ, giải phóng được nhiều vùng trong tỉnh, góp phần cùng toàn miền làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy. Tháng 3/1965, Mỹ đưa quân vào miền Nam thực thi chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Ngày 10/6/1965, Mỹ đổ bộ vào Cam Ranh và xây dựng thành một khu căn cứ quân sự khổng lồ, một kho hậu cần chiến lược phục vụ cho Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Quân Mỹ và Nam Triều Tiên mở rộng căn cứ, tiến hành càn quét bắn phá, tạo điều kiện cho quân ngụy lấn chiếm vùng giải phóng. Quân và dân ta đã bám đánh địch quyết liệt. Ở Bắc Khánh, bộ đội địa phương và du kích đánh lui các trận càn của các Tiểu đoàn quân Mỹ và Nam Triều Tiên. Ở Nam Khánh, ta đánh lui cuộc càn của Lữ đoàn dù 101 Mỹ vào căn cứ Hòn Dữ. Từ năm 1965 - 1967, quân, dân Khánh Hòa đã chiến đấu anh dũng, góp phần với quân dân toàn miền đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô của đế quốc Mỹ. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Khánh Hòa đã nổ ra trong giờ phút đầu tiên của toàn miền và thực hiện mạnh mẽ ở trọng điểm Nha Trang. Phối hợp với phong trào đấu tranh chính trị của Nhân dân, quân ta đã đột nhập tiến công đồng loạt vào các cơ quan đầu não của địch ở khắp các quận lỵ, thị trấn, chiếm lĩnh một số nơi quan trọng trong thị xã Nha Trang. Thắng lợi của quân và dân Khánh Hòa trong Cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là rất quan trọng, đã góp phần vào thắng lợi chung của toàn miền. Sau thất bại Xuân Mậu Thân, chiến lược “Chiến tranh cục bộ” bị phá sản, đế quốc Mỹ buộc phải xuống thang chiến tranh và ngồi hội đàm với ta ở Pari. Tuy bị thất bại nặng nề, nhưng âm mưu và bản chất cực kỳ ngoan cố của Mỹ vẫn không thay đổi, chúng chuyển sang dùng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” thực hiện “bình định cấp tốc” với nhiều thủ đoạn cực kỳ tinh vi, xảo quyệt. Trước tình hình đó, từ đầu năm 1969 đến Thu Đông năm 1971, Tỉnh ủy đã tổ chức sắp xếp lại lực lượng và chủ trương mở các chiến dịch từ HT1 đến HT4 với phương châm “giành dân, giành quyền làm chủ, làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để làm chủ”. Lực lượng vũ trang và Nhân dân các địa phương đã tổ chức hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, tiến hành diệt ác trị điệp, phá rã lực lượng phòng vệ dân sự trên một diện rộng, đẩy lùi kế hoạch “bình định đặc biệt” của địch, làm chủ thêm nhiều địa bàn mới. Phong trào chiến tranh du kích, hoạt động của tự vệ mật, các đội vũ trang công tác bám dân, bám làng bằng hầm bí mật đã trở thành phổ biến. Phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, nòng cốt là phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng. Phong trào đấu tranh của phật tử nổ ra khá rầm rộ chống lại chính sách bất công của ngụy quyền Thiệu. Phong trào đấu tranh của thương phế binh ở Nha Trang do bức xúc về quyền lợi diễn ra khá mạnh mẽ, có lúc rất quyết liệt. Tiếp theo các chiến dịch HT, cùng toàn quân Khu V, ta mở chiến dịch Xuân Hè 1972. Thắng lợi trong chiến dịch Xuân Hè 1972 đã đánh bại thêm một đòn quan trọng kế hoạch “bình định nông thôn” của địch, buộc chúng phải co vào thế phòng ngự xung quanh thị xã, thị trấn, chi khu và quận lỵ.
2. Cùng các chiến trường, phối hợp với lực lượng chủ lực, tiến lên giải phóng toàn tỉnh
Trước sự thất bại nặng nề của Mỹ và trên cơ sở so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch, cuối năm 1974, Bộ Chính trị Trung ương Đảng hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam. Thực hiện chủ trương này, vào tháng 02/1975, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã họp bàn biện pháp thực hiện Chỉ thị của Khu ủy và chuẩn bị tốt mọi mặt để phối hợp giải phóng các huyện. Tháng 3/1975, quân ta mở chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng, sau khi lực lượng chủ lực của ta đánh chiếm Buôn Ma Thuột, cắt đứt đường 21; địch bất lực, ta chiếm luôn quận lỵ Khánh Dương vào ngày 22/3. Sáng ngày 31/3, Sư đoàn 10 chủ lực của ta từ phía Tây thừa thắng tiến quân về phía Đông với sức mạnh như vũ bão. Tại huyện Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa), đội vũ trang công tác và du kích cùng Nhân dân nổi dậy ở nhiều xã, ngày 01/4 Ninh Hòa giải phóng. Từ ngày 01 đến ngày 02/4, vùng nông thôn và thị trấn Vạn Giã, Vạn Ninh được giải phóng. Địch ở Nha Trang nhốn nháo tháo chạy. Các đội võ trang và cơ sở của ta trong thị xã đã chủ động bảo vệ các cơ sở kinh tế, quân sự quan trọng. 17 giờ ngày 02/4, Sư đoàn 10 có sự phối hợp với quân dân địa phương tiến vào giải phóng thị xã Nha Trang, tiếp theo là Vĩnh Xương, Diên Khánh. Ngày 03/4, giải phóng thị xã Cam Ranh và khu liên hợp quân sự Cam Ranh; 58.000 quân địch ở Khánh Hòa hoàn toàn tan rã.
Sau khi được giải phóng, Khánh Hòa trở thành bàn đạp quan trọng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đồng thời quân và dân Khánh Hòa đã góp phần cùng các lực lượng thuộc Quân khu 5 và bộ đội hải quân, lần lượt giải phóng các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn... Ngày 29/4/1975, toàn bộ quần đảo Trường Sa được giải phóng. Ngày 30/4/1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân tỉnh ta cùng với cả nước trải qua suốt 21 năm, với bao gian khổ hy sinh, đầy thử thách, song vô cùng oanh liệt và vẻ vang. Quân và dân Khánh Hòa đã đánh hàng nghìn trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 30 ngàn tên địch; trong đó có hơn 03 ngàn tên Mỹ, gần 06 ngàn tên Nam Triều Tiên; bắn rơi, phá hủy, đốt cháy 318 máy bay các loại; phá hủy 130 ngàn tấn bom đạn, 350 tấn hàng quân sự; đốt cháy và phá hủy hơn 100 triệu lít xăng dầu, 34 xe quân sự; đánh chìm 9 tàu chiến, 62.119 tên tề nguỵ bị bắt và ra trình diện. Những chiến công này đã góp phần quan trọng làm nên toàn thắng vẻ vang của cả nước, xứng đáng với danh hiệu được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang cho Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
II. Ý NGHĨA LỊCH SỬ, NGUYÊN NHÂN THẮNG LỢI VÀ NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC
1. Ý nghĩa lịch sử
1.1. Đối với Khánh Hòa:
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân Khánh Hòa là một trong những mốc son sáng ngời trong lịch sử Đảng bộ và Nhân dân Khánh Hòa, đem lại hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân tỉnh nhà; thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Đảng bộ, quân và Nhân dân trong tỉnh; góp phần cùng với cả nước làm nên chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tô đậm thêm trang sử vàng của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
1.2. Đối với Việt Nam: Thắng lợi của Nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có ý nghĩa rất quan trọng, là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc; đánh dấu bước ngoặt quyết định, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
1.3. Đối với thế giới: Thắng lợi của Nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên các dân tộc tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc; mở đầu sự phá sản của chủ nghĩa thực dân mới trên toàn thế giới.
2. Nguyên nhân thắng lợi
Một là, sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân tố quyết định hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Hai là, Nhân dân và các lực lượng vũ trang đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, bền bỉ; lao động quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Ba là, cả nước đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trên dưới một lòng, triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Bốn là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp, đánh Mỹ và thắng Mỹ.
Năm là, phát huy tinh thần đoàn kết; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước phe xã hội chủ nghĩa, của nhân dân tiến bộ trên thế giới.
3. Bài học kinh nghiệm
Thứ nhất, xác định đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của cách mạng Việt Nam.
Thứ hai, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Thứ ba, vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt phương pháp đấu tranh cách mạng, phương thức tiến hành chiến tranh toàn dân và nghệ thuật quân sự chiến tranh toàn dân, xây dựng và phát triển lý luận chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Thứ tư, chủ động, nhạy bén, linh hoạt trong chỉ đạo chiến lược chiến tranh cách mạng và nghệ thuật tạo, nắm thời cơ giành những thắng lợi quyết định.
Thứ năm, phải luôn luôn chú trọng xây dựng Đảng trong mọi hoàn cảnh, nâng cao sức chiến đấu và phát huy hiệu lực lãnh đạo của Đảng.
PHẦN II
PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG VẺ VANG TRONG CHIẾN ĐẤU VÀO SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI, XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ VỮNG CHẮC TỔ QUỐC VIỆT NAM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
I. THÀNH TỰU CHUNG CỦA ĐẤT NƯỚC
Sau khi đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới, đưa sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta vượt qua khó khăn, thử thách và giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991), lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Năm 2022, trước bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức lớn, bất ngờ xuất hiện, tác động xấu, nhiều mặt và ảnh hưởng nặng nề không chỉ đối với nước ta mà còn đối với toàn thế giới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm, bản lĩnh, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, với nhiều dấu ấn nổi bật: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả. GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%. Về cơ cấu nền kinh tế năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,88%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,26%; khu vực dịch vụ chiếm 41,33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,53%.
Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 371,85 tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm trước; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 360,65 tỷ đồng USD, tăng 8,4% so với năm trước; nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,5% tỷ trọng bằng năm trước. Thị trường Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 109,1 tỷ đồng và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 119,3 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ đạt 12,9 tỷ USD, tăng 145,2% so với năm trước; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ đạt 25,5 tỷ USD tăng 23,6% so với năm trước.
Chính trị xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, để lại những ấn tượng rất tốt đẹp, được Nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, cho chúng ta thêm nhiều bài học quý. Công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành. Bước đầu ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến", "tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần củng cố niềm tin của đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ. Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực, đạt được những kết quả đáng khích lệ, kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”; phát huy hiệu quả tiềm lực, khẳng định vai trò, vị thế, uy tín ngày càng được nâng lên trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ, nhất là trên môi trường mạng xã hội. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rõ rệt, đột phá, phản ánh đúng phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
II. THÀNH TỰU CỦA TỈNH KHÁNH HÒA
Từ sau ngày giải phóng, với truyền thống đấu tranh anh dũng, được rèn luyện thử thách trong quá trình đấu tranh cách mạng, toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân Khánh Hòa tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế. Sau 48 năm kể từ ngày giải phóng, đặc biệt, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Khánh Hòa luôn phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, nhất trí, năng động, sáng tạo, nêu cao bản lĩnh, khí phách của vùng đất, con người Khánh Hòa, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, khai thác tiềm năng, nhất là lợi thế về kinh tế biển để phát triển nhanh, bền vững.
Trong 10 năm trở lại đây, Khánh Hòa giữ vững nhịp độ tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Giai đoạn 2012 - 2019 đạt mức bình quân hơn 7,32%/năm. Năm 2019, quy mô nền kinh tế tăng 1,76 lần so với năm 2011; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt mức 70,07 triệu đồng, tăng 2,3 lần so với năm 2011; thu ngân sách tăng nhanh, bảo đảm tự cân đối ngân sách địa phương và có điều tiết về Trung ương. Năm 2022, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đại dịch COVID-19, nhưng kinh tế của tỉnh đã phục hồi và tăng tốc, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 20,7% so với năm 2021 (mức tăng trưởng cao nhất cả nước). GRDP bình quân đầu người đạt 76,5 triệu đồng/người. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư, nâng cấp. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn được triển khai xây dựng như: Đại lộ Nguyễn Tất Thành, đường Phạm Văn Đồng, đường Võ Nguyên Giáp, đường Cổ Mã - Đầm Môn, đường Khánh Lê - Lâm Đồng…tạo điệu kiện thuận lợi cho phát triển và giao lưu kinh tế, văn hóa, đảm bảo an ninh, quốc phòng của các địa phương trong tỉnh và các tỉnh bạn. Hệ thống đô thị ven biển được hình thành tương đối hiện đại. Khu Kinh tế Vân Phong từng bước tác động tích cực đến phát triển kinh tế của tỉnh và vùng, đã thu hút hơn 150 dự án đầu tư vào Khu kinh tế (trong đó 28 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký thực hiện 4,1 tỷ USD, vốn thực hiện 2,68 tỷ USD, giải quyết việc làm cho gần 12.000 lao động. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Khánh Hòa là trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế; từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực.
Phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công tác dân tộc, tôn giáo, an sinh xã hội, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân đạt được nhiều tiến bộ. Tỷ lệ hộ nghèo đạt mức thấp; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao. Bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu đạt được nhiều kết quả tích cực. Phát triển kinh tế - xã hội được kết hợp chặt chẽ với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm; hoạt động của bộ máy hành chính được đổi mới theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực.
Những thành tựu mà Khánh Hòa đạt được trong thời gian qua là niềm tự hào, khích lệ cho mỗi người dân Khánh Hòa hôm nay, phát huy ý chí, tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên xây dựng, phát triển tỉnh nhà ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, góp phần vào thắng lợi chung trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Năm 2022, tỉnh Khánh Hòa vinh dự đón nhận 03 nghị quyết quan trọng của Trung ương về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đó là Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 21/3/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 55/2022/QH15, ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa vàThông báo số 97/TB-VPCP ngày 05/4/2022 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với tỉnh Khánh Hòa. Những nghị quyết quan trọng của Trung ương thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với Khánh Hòa; là cơ sở chính trị, pháp lý rất quan trọng, xác định tầm nhìn chiến lược, mở ra cơ chế huy động nguồn lực, tạo sự phát triển đột phá của tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Những mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị đối với tỉnh là sự khẳng định niềm tin, kỳ vọng của Bộ Chính trị đối với Khánh Hòa để tương xứng với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng.
Năm 2022, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng đại dịch COVID-19 trong 2 năm liền trước đó nhưng kinh tế của tỉnh đã phục hồi và tăng tốc, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 20,7% so với năm 2021, cao nhất cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 76,54 triệu đồng/người; thu ngân sách nhà nước đạt 16.016 tỷ đồng, tăng 13,78% so với năm 2021; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1.600 triệu USD, tăng 22,9%; doanh thu du lịch đạt 13.843 tỷ đồng, tăng gấp 5,7 lần so với năm 2021; tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 61.982 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2021; các dự án, công trình trọng điểm của Trung ương, của tỉnh được tập trung triển khai, thực hiện quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ như: Các dự án đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; dự án công trình Đập ngăn mặn sông Cái Nha Trang, Tỉnh lộ 3, Bệnh viện đa khoa Yersin Nha Trang... Tỉnh đã xem xét, thông qua Đề án tổng thể giảm nghèo bền vững của huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh giai đoạn 2022 - 2025; đang trình cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến về Đề án xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; đang xem xét phê duyệt Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa; Đồng thời đang tập trung khẩn trương xây dựng Đề án thành lập Trung tâm nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương; Đề án phân loại đô thị tỉnh Khánh Hòa đạt tiêu chí đô thị loại I...
Phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công tác dân tộc, tôn giáo, an sinh xã hội, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân đạt nhiều tiến bộ. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 3,53%. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng.
Năm 2022 cũng là năm tỉnh Khánh Hòa triển khai thực hiện cơ bản các quy hoạch: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung Đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045; Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Cam Ranh đến năm 2035... Đây là bước khởi đầu để Khánh Hòa bước vào giai đoạn phát triển mới căn cơ, bền vững.
Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được các cấp ủy đảng chú trọng triển khai thường xuyên, bài bản, đạt nhiều kết quả tích cực. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Cấp ủy và chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã chú trọng đổi mới thực chất phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc; nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện, chấp hành kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, cùng với sự kiên quyết trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đã tạo nên sự cộng hưởng sức mạnh cho quán trình phát triển, gia tăng niềm tin trong xã hội. Công tác phát triển đảng viên mới được quan tâm, năm 2022, toàn tỉnh đã kết nạp được 1.793 đảng viên mới, đạt 105,4%. Nâng tổng số đảng viên trên địa bàn tỉnh lên 47.349 đảng viên.
Kết quả đạt được trong năm 2022 rất có ý nghĩa, tạo tiền đề, động lực cho quá trình phục hồi, phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030; tiếp tục khẳng định giá trị, tiềm năng, vị trí chiến lược đặc biệt của tỉnh, là sự ghi nhận sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và của toàn thể Nhân dân trong tỉnh.
Năm 2023, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Khánh Hòa tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm thực hiện hiệu quả mục tiêu, định hướng của năm “quy hoạch - đầu tư” tạo đà bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước hiện thực hóa Nghị quyết số 09- NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Để phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tỉnh đề ra một số giải pháp đột phá như sau:
Một là, tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch: Hoàn thành và tổ chức triển khai có hiệu quả các quy hoạch quan trọng của tỉnh sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm soát thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch được phê duyệt; điều chỉnh và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển đô thị tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt.
Hai là, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nội dung đề ra tại Kế hoạch số 6524/KH-UBND, ngày 15/7/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, nhằm tranh thủ tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù, nhất là thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Ba là, đẩy mạnh công tác kêu gọi, xúc tiến đầu tư và tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh: Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình xúc tiến đầu tư giai đoạn 2021 - 2025; tích cực mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp vào các khu, cụm công nghiệp hiện có và đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch; khẩn trương ban hành Danh mục các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, nhất là danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế Vân Phong giai đoạn 2022 - 2025. Đồng thời, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án ngoài ngân sách nhằm khơi thông và huy động kịp thời, hiệu quả các nguồn lực lớn trong, ngoài nước để hiện thực hóa các quy hoạch của tỉnh sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cùng với đó, thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy thu hút đầu tư mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
Bốn là, thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công năm 2023: Tổ chức rà soát, kịp thời bổ sung, điều chỉnh hợp lý kế hoạch đầu tư công năm 2023 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; cơ cấu lại đầu tư công theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, không manh mún, dàn trải. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai danh mục dự án đầu tư công trọng điểm đưa vào kế hoạch đầu tư công (bổ sung) giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân hết số vốn được giao trong năm 2023.
Năm là, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để bổ sung khai thác nguồn thu: Xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch huy động, khai thác, sử dụng nguồn thu từ đất đai để ưu tiên đầu tư, xây dựng các dự án trọng điểm mang tính kết nối, tạo động lực; các công trình văn hóa - xã hội lớn; các chương trình phục vụ mục tiêu phát triển bền vững; chuyển đổi số. Đồng thời, tích cực thu nợ đọng thuế, phấn đấu thu ngân sách năm 2023 vượt chỉ tiêu đề ra.
Sáu là, đẩy mạnh cơ cấu kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế số, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới; đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng thương hiệu nông sản Khánh Hòa; triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, góp phần gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu đối với ngành thủy sản Việt Nam. Đối với sản xuất công nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh của tỉnh; triển khai các dự án có tính động lực, sử dụng công nghệ cao; tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hiện có, như: Hạ tầng Khu Công nghiệp Ninh Thủy; các cụm công nghiệp Diên Thọ, Trảng É, Ninh Xuân; Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1…; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nhằm kêu gọi các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các khu chức năng phát triển công nghiệp trong Khu Kinh tế Vân Phong. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường các giải pháp nâng cao doanh thu của ngành du lịch và dịch vụ theo hướng bền vững; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
*
* *
Năm nay, tỉnh ta kỷ niệm Khánh Hòa 370 năm xây dựng và phát triển; kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng tỉnh Khánh Hòa (02/4/1975 - 02/4/2023); kỷ niệm 48 Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023) là dịp để chúng ta ôn lại trang sử vẻ vang, truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc Việt Nam nói chung, của Đảng bộ và Nhân dân Khánh Hòa nói riêng; đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc; thể hiện sự tri ân đối với các thế hệ cha anh, của đồng bào, đồng chí khắp mọi miền đất nước đã góp sức người, sức của và xương máu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng tỉnh Khánh Hòa.
Kỷ niệm Khánh Hòa 370 năm xây dựng và phát triển, là dịp để chúng ta tự hào về truyền thống văn hóa, truyền thống lịch sử, thành tựu của quê hương Khánh Hòa trong suốt chặng đường 370 năm qua. Kế thừa và phát huy truyền thống đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Khánh Hòa tiếp tục phát huy chung sức, đồng lòng quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu xây dựng quê hương Khánh Hòa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, hướng tới mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương, nơi Nhân dân có mức sống cao, hiền hòa, hạnh phúc mà Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã tin tưởng giao phó.
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KHÁNH HÒA