Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
       
  11/03/2024 09:58        

Biểu diễn đường phố - hoạt động trải nghiệm đào tạo nghệ thuật, phục vụ cộng đồng

          Trên thế giới, nghệ thuật biểu diễn đường phố xuất hiện từ rất lâu và được thực hành rộng khắp. Tại Việt Nam, tuy nghệ thuật đường phố du nhập không lâu nhưng loại hình này đã và đang phát triển mạnh mẽ, mang đến nhiều điều mới lạ và thú vị thông qua việc thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật trên đường phố của khán giả. Tại thành phố Nha Trang - tỉnh Khánh Hòa, trong những năm qua, nghệ thuật biểu diễn đường phố gần như là “món ăn tinh thần” không thể thiếu đối với du khách và người dân địa phương.

          Hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố của thầy và trò Trường Đại học Khánh Hòa

           Được sự quan tâm, ủng hộ của UBND tỉnh Khánh Hòa và các sở, ngành, Trường Đại học Khánh Hòa đã tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố từ năm 2011, với mong muốn ban đầu là có không gian để các em sinh viên ngành nghệ thuật có điều kiện thực hành nghề nghiệp trên sân khấu, quen dần với việc tiếp xúc trước đám đông, rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống trên sân khấu, đến nay Nhà trường đã từng bước đổi mới, phát triển hoạt động này theo hướng đa dạng và phù hợp với tình hình thực tế, gắn với nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

          Hàng tuần, vào khung giờ từ 19h00 đến 20h30 tối thứ Ba tại “sân khấu” Công viên Yến Sào Khánh Hòa (đường Phạm Văn Đồng – Tháp Bà); tối thứ Sáu tại “sân khấu” 46 Trần Phú, thành phố Nha Trang, dường như khán giả địa phương đã quen với lịch diễn 02 đêm/tuần của thầy và trò Trường Đại học Khánh Hòa. Đến với các đêm diễn, cư dân địa phương và du khách sẽ được hòa mình vào không gian đặc biệt của các chương trình nghệ thuật đường phố nhiều màu sắc, đa dạng về thể loại biểu diễn như: độc tấu sáo, đàn tranh, đàn nhị; hát; múa ….

Thầy và trò Trường Đại học Khánh Hòa biểu diễn tại “sân khấu” Công viên Yến Sào

Thầy và trò Trường Đại học Khánh Hòa biểu diễn tại “sân khấu” 46 Trần Phú –Nha Trang

          Một du khách đến từ tỉnh Bình Dương – chị Vũ Thị Nhường “Đây là lần thứ hai tôi đến Nha Trang và lần đầu tiên đúng dịp tối thứ Sáu xem được chương trình này, tôi thấy chương trình rất hay và đặc sắc, hy vọng lần du lịch sau tôi sẽ tiếp tục được thưởng thức chương trình nghệ thuật như thế này”.

          “Tôi đến đây từ rất sớm, lúc các anh kỹ thuật mới đến lắp âm thanh, ánh sáng và chờ xem chương trình. Tôi thích nhất màn trình diễn Đàn tranh, các em trẻ đàn rất hay. Tôi thấy chương trình rất ý nghĩa, là cơ hội để du khách quốc tế biết về nhạc cụ truyền thống của mình”, chị T.T. Thu Trang- thường trú Phường Phước Hòa chia sẻ.

          Anh Nguyễn Văn Giang, thường trú tại Phường Vĩnh Phước, “Văn nghệ hay, tôi chỉ mong đến tối thứ Ba hàng tuần sắp xếp công việc sớm để chở vợ con ra đây xem, các con của tôi thích lắm”.

          Theo số liệu thống kê từ năm 2015 đến nay, Nhà trường đã tuyển sinh và đào tạo 239 học sinh – sinh viên các chuyên ngành nghệ thuật, trong đó số học sinh – sinh viên đã hoàn thành chương trình đào tạo, tốt nghiệp các chuyên ngành nghệ thuật truyền thống (biểu diễn nhạc cụ truyền thống và múa) là 89 em. Yêu cầu của nghề nghiệp, đặc biệt loại hình nghệ thuật đặc thù đòi hỏi ở các em rất nhiều kỹ năng thông qua việc thực hành, thực tế trực tiếp qua các tiết mục biểu diễn.

          Em Nguyễn Thị Tuyết Ngân - sinh viên Cao đẳng Thanh nhạc Khóa 45, hiện nay đang theo học Khóa 2 Đại học liên thông tại trường chia sẻ, “Được tham gia biểu diễn thực tế, làm quen với ánh đèn sân khấu, tương tác trực tiếp với khán giả đã giúp em tự tin trước đám đông hơn, ngày càng trưởng thành và yêu nghề”.

          “Được duy trì tham gia biểu diễn thực tế trên sân khấu, được giao lưu trao đổi kiến thức cùng thầy cô và các bạn sinh viên đang theo học tại trường là điều tuyệt vời. Sân khấu biểu diễn đã giúp em củng cố được kiến thức mình đã được học và có cơ hội học hỏi nhiều kiến thức khác khi được tham gia biểu diễn cùng quý thầy cô. Ngoài ra, em có được cơ hội phát triển tư duy sáng tạo và làm việc nhóm hiệu quả khi tham gia chương trình”, em Nguyễn Thị Ngọc Diễn - cựu sinh viên âm nhạc, khoa Nghệ thuật Trường Đại học Khánh Hòa.

          Theo ThS. Bùi Tú Quyên - giảng viên đàn Tranh, khoa Nghệ thuật Trường Đại học Khánh Hòa, “Khi sinh viên nhạc cụ truyền thống được tham gia biểu diễn trực tiếp trên sân khấu sẽ giúp các em cải thiện kỹ năng biểu diễn, cũng như kỹ năng chơi nhạc cụ một cách chuyên nghiệp. Ngoài ra, khi được biểu diễn cùng đồng nghiệp và các em sinh viên, sẽ tạo cơ hội được giao lưu và học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức về âm nhạc cũng như kỹ năng biểu diễn tốt hơn”.

          Có thể nói, biểu diễn đường phố là hoạt động trải nghiệm đào tạo nghệ thuật của Trường Đại học Khánh Hòa, là cơ hội để học sinh – sinh viên được thực hành nghề nghiệp, cọ xát thực tế. Đây cũng là cơ hội để khán giả tận hưởng những tiết mục biểu diễn nghệ thuật mang màu sắc truyền thống kết hợp hiện đại, là dịp để kết nối các cộng đồng địa phương khi đến với thành phố biển Nha Trang xinh đẹp.

          PGS-TS. Chu Đình Lộc – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa cho biết, “Hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố là không gian rất ý nghĩa, góp phần phát triển công tác đào tạo sinh viên chuyên ngành nghệ thuật. Dưới sự hướng dẫn của các thầy/cô giáo, các em sinh viên được giao tiếp, tương tác trực tiếp với khách du lịch. Qua đó tạo được sự hào hứng, phấn khởi, tăng niềm đam mê nghệ thuật trong các em. Đây là mục tiêu thực hành nghề quan trọng của sinh viên nghệ thuật, góp phần nâng cao năng lực biểu diễn nghệ thuật trong sinh viên. Nhà trường mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của UBND tỉnh Khánh Hòa cũng như du khách, để Nhà trường từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nghệ thuật. Đây cũng là thách thức trong công tác phục vụ cộng đồng của Nhà trường, góp phần chuyển tải văn hóa địa phương đến với du khách”.

          Chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố thời gian qua của thầy và trò Trường Đại học Khánh Hòa luôn thu hút đông đảo sự quan tâm của du khách và nhân dân địa phương. Đây không chỉ đơn thuần là không gian thực hành nghiệp vụ, học tập của sinh viên Trường Đại học Khánh Hòa, mà còn là nơi kết nối, phục vụ cộng đồng. Chương trình nghệ thuật là nơi mang đến “món ăn tinh thần” vô giá cho khán giả, mang lại niềm vui, tiếng cười cho người dân địa phương sau một ngày làm việc và học tập, mang lại cho du khách những trải nghiệm mới, đưa nghệ thuật đến gần hơn với người dân và du khách, góp phần nâng cao đời sống văn hóa trong cộng đồng, đồng thời quảng bá, phát triển Du lịch Tỉnh nhà.

Khán giả tại “sân khấu” 46 Trần Phú – Nha Trang

           

Khán giả tại “sân khấu” Công viên Yến Sào

          Đổi mới biểu diễn nghệ thuật đường phố hướng đến sự phong phú và đa dạng

          Được biết, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 và Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng dự thảo Kế hoạch nâng cao công tác tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố gắn với thiết lập chuỗi sự kiện, văn hóa lễ hội về đêm trên địa bàn thành phố Nha Trang.

          Dự kiến không gian thực hành nghiệp vụ, học tập của Trường Đại học Khánh Hòa sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế (thay đổi địa điểm thực hiện do trùng hoạt động Chợ đêm tại Công viên cầu Trần Phú vừa triển khai). Theo đó, Kế hoạch tập trung đề xuất, bổ sung tăng cường một số không gian biểu diễn đường phố thêm phong phú và đa dạng các hoạt động, riêng lịch biểu diễn nghệ thuật đường phố của Nhà trường sẽ được thực hiện vào khung giờ từ 19 giờ 00, thứ Ba hàng tuần tại Công viên Tuệ Tĩnh, đường Trần Phú, thành phố Nha Trang và thứ Sáu hàng tuần tại Sân khấu Tháp Trầm Hương, đường Trần Phú, phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang. Nội dung biểu diễn sẽ đi theo từng chủ đề, đối tượng biểu diễn chủ yếu là các em học sinh – sinh viên học tập khối ngành văn hóa, nghệ thuật của Trường Đại học Khánh Hòa theo chủ đề của từng đêm diễn. Học sinh – sinh viên được rèn luyện khả năng trong học tập cũng như có cơ hội cọ xát thực tế khi biểu diễn trước khán giả.

          Với sự đa dạng về thể loại như: Hát, múa, nhảy hiện đại, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ phương Tây, nhạc cụ dân tộc tại các đêm diễn nghệ thuật đường phố của thầy và trò Trường Đại học Khánh Hòa. Sân khấu biểu diễn nghệ thuật đường phố không những là sân chơi để sinh viên Trường Đại học Khánh Hòa thể hiện tài năng về nghệ thuật, là môi trường biểu diễn để thầy và trò khối ngành Văn hóa, Nghệ thuật được cọ xát thực tế hơn khi biểu diễn trước khán giả mà còn là không gian phục vụ cộng đồng hiệu quả. Trường Đại học Khánh Hòa sẽ luôn nỗ lực trong việc thích ứng với sự đổi mới, phát triển đào tạo nghệ thuật theo hướng “Nghệ thuật đường phố - nơi trải nghiệm nghệ thuật và tương tác với cộng đồng”.                       

                                                                                                                                     Bài viết: Đăng Khoa – Kim Thoa

 
Bài viết liên quan
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ về thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Khánh Hòa và Khách sạn Liberty Central Nha Trang
Trường Đại học Khánh Hòa tổ chức Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị
Xúc tiến liên kết đào tạo liên thông trình độ trung cấp, cao đẳng lên trình độ đại học và đào tạo văn bằng 2 giữa Trường Đại học Khánh Hòa và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang
Trường Đại học Khánh Hoà tổ chức Hội nghị Đảng bộ lần 1 năm 2024
Hội trại truyền thống “Sức trẻ Đại học Khánh Hoà” lần IX năm 2024
Nghị lực phi thường của một nữ sinh khuyết tật Trường Đại Học Khánh Hòa
Ban Chỉ đạo thực tập sư phạm cấp tỉnh thăm và làm việc tại các trường phổ thông trên địa bàn thành phố Nha Trang
Đoàn Chính quyền tỉnh Hiroshima, Nhật Bản đến thăm và làm việc với Trường Đại học Khánh Hòa
Trường Đại học Khánh Hòa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2023 và triển khai thực hiện kế hoạch cải cách hành chính năm 2024
Lễ tiếp nhận sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Châu Âu vùng Bretagne, Cộng hòa Pháp theo Biên bản ghi nhớ hợp tác với Trường Đại học Khánh Hoà
Đội bóng đá UKH tham gia Giải bóng đá Thanh niên sinh viên Việt Nam lần 2 năm 2024
Đảng uỷ Trường Đại học Khánh Hoà tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng cho Bí thư Chi bộ và cấp ủy chi bộ trực thuộc
Trường Đại học Khánh Hoà tổ chức họp mặt đầu xuân Giáp Thìn năm 2024
Thẩm định kết quả đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục Trường Đại học Khánh Hòa (chu kỳ 1)
Công đoàn Trường Đại học Khánh Hoà thăm, tặng quà tết tại thôn Suối Sâu, Xã Ninh Tân, Thị xã Ninh Hoà
Tấm gương học tập của một gia đình Nhà giáo
Hội nghị Tổng kết công tác đảm bảo An ninh trật tự trường học năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Tập huấn chuyển đổi số trong công tác quản lý tại Trường Đại học Khánh Hòa.
Trường Đại học Khánh Hòa tổ chức Lễ tổng kết "Trại hè song ngữ năm 2024" cho trẻ em Trung tâm Gia đình tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc
Workshop “An toàn trên Internet cho trẻ em”: Hành trang cần thiết cho thanh thiếu niên trong thời đại số
Tổng quan