Thực hiện kế hoạch đảm bảo chất lượng đào tạo của trường Đại học Khánh Hòa giai đoạn 2017-2020 nhằm tiến tới việc triển khai kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục – Đào tạo.
Trong hai ngày 30 và 31/03/2018, tại phòng họp 4 – Cơ sở 1, Trường Đại học Khánh Hòa đã tổ chức Hội nghị tập huấn công tác đảm bảo chất lượng cơ sở giáo dục cho hơn 55 cán bộ, giảng viên về bộ tiêu chuẩn AUN-QA phiên bảng 2.0 theo thông tư 12/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
PGS. TS. Lê Thị Phương Ngọc - Phó Hiệu trưởng phát biểu khai mạc đợt tập huấn đảm bảo cơ sở giáo dục
Khai mạc đợt tập huấn, PGS.TS. Lê Thị Phương Ngọc – Phó Hiệu trưởng nhà trường –Phó Chủ tịch Hội đồng tự đánh giá cơ sở giáo dục đã khái quát tầm quan trọng của công tác Đảm bảo chất lượng và đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, cũng như những khó khăn trong thời gian tới khi tiến hành triển khai công tác Tự đánh giá cơ sở giáo dục.
Tham gia hướng dẫn nội dung của buổi tập huấn gồm có ThS. Phạm Hữu Khá – Phó trưởng ban chỉ đạo công tác Đảm bảo chất lượng giáo dục; ThS. Nguyễn Hữu Thống – Thành viên ban chỉ đạo công tác Đảm bảo chất lượng giáo dục – Trưởng ban thư ký.
Tại buổi tập huấn, các đại biểu tham dự đã được nghe ThS. Phạm Hữu Khá trình bày tổng quan về kiểm định chất lượng, tầm quan trọng của tự đánh giá trong kiểm định chất lượng giáo dục đại học, mô hình đánh giá, quy trình tự đánh giá và triển khai tự đánh giá theo các tiêu chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục đại học hiện nay. Trong phần hướng dẫn về xác định nội hàm tiêu chí, quy trình thu thập thông tin minh chứng, mã hóa và lưu trữ thông tin minh chứng ThS. Nguyễn Hữu Thống đã minh họa cụ thể bằng những ví dụ chi tiết.
Tự đánh giá là một khâu quan trọng trong kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học. Đó là cơ sở để căn cứ vào các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng tiến hành tự xem xét, phân tích và đánh giá tình trạng chất lượng và hiệu quả các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản lý… của mình để từ đó có các biện pháp để điều chỉnh các nguồn lực và quá trình thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu đề ra./.
Tin bài: Hữu Thống