Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn ❯ Chi tiết
       
  02/11/2022 18:27        

GIẢI PHÁP PHỤC HỒI VÀ THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN DU LỊCH KHÁNH HÒA TRONG GIAI ĐOẠN BÌNH THƯỜNG MỚI

TÓM TẮT

Du lịch là ngành kinh tế trọng yếu của Khánh Hòa, đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế–xã hội của tỉnh. Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch đã gánh chịu thiệt hại vô cùng nặng nề, năm sau nặng hơn năm trước. Theo thống kê năm 2021, tổng lượng khách lưu trú chỉ đạt 600.103 lượt, bằng 12% kế hoạch, giảm 51,91% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khách quốc tế là 24.697 lượt, giảm 94,36%; khách nội địa là 575.406 lượt, giảm 28,98%; công suất phòng bình quân cả năm đạt khoảng 7,72%; ngày khách lưu trú là 1.690.120, giảm 54,94% so với cùng kỳ. Doanh thu toàn ngành ước đạt 2.407,3 tỷ đồng, giảm 47,32% so với năm 2020 và đạt 13,73% kế hoạch.

Để có thể “phá băng” ngành du lịch, trong giai đoạn bình thường mới, tỉnh Khánh Hòa cần có cơ chế chính sách thỏa đáng và cách làm phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, để phục hồi và thúc đẩy phát triển ngành du lịch xứ Trầm hương.

Từ khóa: Giai đoạn bình thường mới, du lịch Khánh Hòa, doanh thu du lịch, đại dịch Covid-19.

1. MỞ ĐẦU

Diễn biến phức tạp, kéo dài của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện đến các hoạt động kinh tế-xã hội Khánh Hòa. Trong đó, du lịch là ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất. Các lệnh cấm bay, giản cách xã hội, cộng với sự e ngại của khách sợ bị lây nhiễm Virus Sars Cov-2 đã khiến nhiều khu, điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm phải đóng cửa vì vắng khách, doanh thu sụt giảm mạnh.

Với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị và nhân dân, công tác phòng, chống dịch ở Khánh Hòa đạt được những kết quả tích cực, dịch bệnh từng bước được kiểm soát, khống chế, các hoạt động du lịch thích ứng với trạng thái bình thường mới đã và đang được triển khai mạnh mẽ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế nhanh chóng phục hồi và phát triển bền vững.

2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Trên cơ sở tìm kiếm, chọn lọc, đánh giá tài liệu thứ cấp [đã kiểm duyệt], bao gồm các nghiên cứu, văn bản pháp luật liên quan đến chính sách, giải pháp phục hồi, phát triển ngành du lịch Việt Nam trong giai đoạn bình thường mới được đăng tải trên các trang mạng xã hội; kết hợp với việc nghiên cứu tài liệu gốc đang được lưu giữ tại Văn phòng Sở Du lịch Khánh Hòa nên các thông tin trong bài viết chuẩn xác, có tính khoa học và tính ứng dụng cao. Trong đó, những kinh nghiệm về hoạch định chính sách phát triển, những điểm đúng đắn trong các nhóm giải pháp có ý nghĩa quan trọng cả về mặt lý luận và thực tiễn, qua đó hy vọng góp một phần nhỏ tạo nên thành công của Hội thảo.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. Ngành du lịch Khánh Hòa trong cơn bão đại dịch Covid-19

Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, ngành du lịch Khánh Hòa sở hữu những con số tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, năm 2019 khách lưu trú đạt 7,2 triệu lượt (tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2018), ngày khách lưu trú ước đạt 21.000 (tăng 23,4%). Trong đó, khách quốc tế đạt 3,56 triệu lượt với hơn 14 triệu ngày lưu trú, tăng lần lượt 27,5% và 39,3% so với cùng kỳ; tổng doanh thu đạt 27,1 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ và đạt 120,44% kế hoạch; đóng góp 12,29% vào GRDP tỉnh [6, tr. 1]. Điều này chứng tỏ, Khánh Hòa - nơi hội tụ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” ngày càng có sức hút mạnh mẽ dựa trên thế mạnh du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng và môi trường du lịch thân thiện. Lượng khách tham quan tăng góp phần vào sự phát triển chung của ngành du lịch xứ Trầm hương.

Từ ngày dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam đến cuối năm 2020, khi số ca nhiễm còn ít và được kiểm soát khá tốt, khách quốc tế vẫn chọn Nha Trang là điểm đến nghỉ dưỡng. Sang năm 2021, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và trầm trọng hơn, khiến hoạt động kinh doanh du lịch suy giảm nghiêm trọng. Khách du lịch thưa vắng dần. Những điểm tham quan nổi tiếng ở Nha Trang vắng người. Theo Sở Du lịch, trong năm 2020 Khánh Hòa chỉ đón hơn 1,2 triệu lượt khách lưu trú, bằng 16,8% kế hoạch và giảm gần 82,3% so với năm 2019. Trong đó, khách quốc tế khoảng 435.000 lượt, giảm 87,78%; khách nội địa khoảng 805.000 lượt, giảm 76,6%. Tổng doanh thu ước đạt 6.946 tỷ đồng, giảm gần 82,7% so với năm 2019 [7, tr. 1-2]. Trong năm 2021, mặc dù chính quyền và các doanh nghiệp đã triển khai nhiều gói kích cầu và nhiều chương trình ưu đãi/giảm giá đặc biệt, tuy nhiên dịch bệnh vẫn hoành hành nên hoạt động du lịch vẫn “ì ạch”, kém hiệu quả. Tổng lượng khách lưu trú chỉ đạt 600.103 lượt, bằng 12% kế hoạch, giảm 51,91% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khách quốc tế là 24.697 lượt, giảm 94,36%; khách nội địa là 575.406 lượt, giảm 28,98%; công suất phòng bình quân đạt khoảng 7,72%; ngày khách lưu trú là 1.690.120, giảm 54,94% so với cùng kỳ. Doanh thu ước đạt 2.407,3 tỷ đồng, giảm 47,32% so với năm 2020 và đạt 13,73% kế hoạch [8, tr. 1-2].

Các đơn vị, doanh nghiệp du lịch sau nhiều lần gắng gượng triển khai các chương trình kích cầu thì giờ đang hết sức khó khăn, kiệt quệ, nhưng họ vẫn phải chịu các áp lực về hàng loạt khoản phí như: Trả lãi ngân hàng, trả lương người lao động; nợ tiền thuế, tiền thuê đất… Một số doanh nghiệp loay hoay tìm nguồn vốn để duy trì hoạt động, nhưng lượng khách chưa đạt tới 1% công suất; nhiều doanh nghiệp du lịch phải chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh. Tính đến cuối tháng 9/2021, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 400/1.113 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú đang hoạt động [đây là các cơ sở cách ly y tế tập trung của tỉnh]; 80/141 doanh nghiệp lữ hành còn duy trì hoạt động, trong đó có 69 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 11 doanh nghiệp lữ hành nội địa [8, tr. 1-2]; 1.526 hướng dẫn viên phải nghỉ hoặc chuyển nghề, các cơ sở mua sắm, ăn uống phục vụ du lịch đóng cửa [19]; 17.100 lao động mất việc, trong đó lĩnh vực lưu trú giảm 15.000 người (chiếm 30% tổng số lao động trong lĩnh vực lưu trú), lĩnh vực lữ hành giảm 2.100 người (giảm 60%); 1.780 xe kinh doanh vận tải du lịch ngưng hoạt động [4].

Là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong 4 lần dịch bùng phát, du lịch – ngành kinh tế trọng yếu của Khánh Hòa đang rất cần một kịch bản hồi sinh sau “cơn thập tử nhất sinh” trong cơn bão đại dịch Covid-19.

3.2. Những tín hiệu phục hồi tích cực hoạt động du lịch Khánh Hòa

Trên tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về Phát triển du lịch trong trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, Sở Du lịch tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông với chủ đề “Sống an toàn”, khẳng định “Khánh Hòa là điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện” cho du khách; đồng thời thực hiện lộ trình “mở cửa” từng bước theo tiêu chí “An toàn đến đâu mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn”. Trước hết là phục vụ khách nội địa đến từ các “vùng an toàn”, sau đó sẽ mở cửa đón khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine” theo lộ trình 3 giai đoạn, bắt đầu từ tháng 11/2021 [1, tr. 4; 14, tr. 1; 3, tr. 1].

Để sẵn sàng cho việc đón khách, Sở Du lịch cùng các sở, ban, ngành liên quan đã triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phù hợp với từng diễn biến dịch như: Xây dựng Bộ tiêu chí an toàn trong hoạt động du lịch; công nhận, công bố điểm đến và dịch vụ an toàn cho du khách; xây dựng các chiến dịch kích cầu với phương châm “Tăng tối đa chất lượng, giảm tối đa giá thành”; tạo ra nhiều cung đường “xanh”, kết nối du lịch “khép kín”; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và phát triển du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch khôi phục hoạt động kinh doanh; phát triển các sản phẩm du lịch và dịch vụ mới… Nhờ đó, hoạt động của ngành đã giảm thiểu thiệt hại và đang có những tín hiệu phục hồi tích cực. Sở Du lịch cho biết: đến cuối tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh có hơn 90% doanh nghiệp du lịch đã hoạt động trở lại; tổng khách lưu trú đạt hơn 1.046.000 lượt, tăng 128,6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 87,2% kế hoạch. Trong đó, khách quốc tế đạt 42.507 lượt, tăng 122,5% so với cùng kỳ, vượt 40.000 lượt so với kế hoạch; doanh thu đạt gần 5.550 tỷ đồng, tăng 209,4% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch 4.000 tỷ đồng [11, tr. 2-3]. Đặc biệt, trong dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua là một điểm nhấn của du lịch tỉnh, với lượng khách đạt 275.500 lượt, tăng 119% so với cùng kỳ năm trước [10, tr. 1-2].

Kết quả kinh doanh du lịch 6 tháng đầu năm 2022 là động lực để ngành tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 là đón hơn 1,2 triệu lượt khách (tăng 100% so với năm 2021) với hơn 3,4 triệu ngày lưu trú, trong đó có 1,16 triệu lượt khách nội địa với 3,325 triệu ngày lưu trú và 40.000 lượt khách quốc tế với 190.000 ngày lưu trú; tổng doanh thu ước đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 80% so với năm 2021 [17, tr. 2].

3.3. Giải pháp phục hồi và thúc đẩy phát triển du lịch Khánh Hòa trong giai đoạn bình thường mới

Hiện nay, việc bao phủ vaccine Covid-19 được tỉnh Khánh Hòa triển khai tiêm ngừa mũi 4 trên diện rộng, mặc dù không ngăn được việc lây nhiễm nhưng quan trọng là nó giúp người mắc bệnh giảm nhẹ các triệu chứng và nguy cơ tử vong. Điều này rất quan trọng, giúp chúng ta tự tin kích hoạt các hoạt động phục hồi kinh tế, trong đó có du lịch.

Để phát triển du lịch Khánh Hòa trong bối cảnh mới, đặc biệt trong và sau đại dịch thế kỷ Covid-19; hướng tới phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chú trọng các sản phẩm du lịch đẳng cấp, chất lượng cao, đa dạng, có sức cạnh tranh [15, tr. 2], ngành du lịch cần triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó ưu tiên, chọn lọc các nhóm giải pháp trọng tâm, phù hợp với bối cảnh mới sau đại dịch. Cụ thể là:

3.3.1. Hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch đang gặp khó khăn phục hồi và phát triển hoạt động kinh doanh

Trong thời gian dịch bệnh diễn ra, chính quyền tỉnh đã kịp thời triển khai hiệu quả nhiều chính sách, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người lao động ngành du lịch phục hồi hoạt động, như: Ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động; hỗ trợ tài chính cho hộ kinh doanh, hướng dẫn viên, người lao động bị mất việc làm; hỗ trợ tiền ăn cho người lao động là F0 hoặc F1; gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất đến hết năm 2023; giảm 50% phí cấp phép kinh doanh lữ hành và thẻ hướng dẫn viên đến hết năm 2023; giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch; cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, du lịch được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay; tổ chức miễn phí các lớp bồi dưỡng Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phát triển du lịch [12, tr. 4-7].

Trong giai đoạn bình thường mới hiện nay, tỉnh cần tiếp tục xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và người lao động khắc phục thiệt hại, vực dậy hoạt động kinh doanh, chung sức cùng toàn ngành vượt qua khó khăn, là giải pháp, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tỉnh, từ nay đến năm 2025 [18].

3.3.2. Tăng cường đảm bảo “An toàn trong hoạt động du lịch”, đặc biệt là an toàn trong điểm đến, an toàn trong chuỗi dịch vụ, an toàn trong tổ chức điều hành tour, an toàn cho du khách và an toàn trong công tác kiểm soát

Quán triệt phương châm “Du lịch an toàn, an toàn đến đâu mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn”, Sở Du lịch tỉnh cùng các đơn vị liên quan thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở du khách thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định tại Quyết định số 2666/QĐ-BYT ngày 29/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế; hướng dẫn cài đặt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”, PC-Covid, IgoVN và Hệ thống đăng ký, đánh giá an toàn Covid-19 đối với khu, điểm du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở kinh doanh dịch vụ lữ hành, du lịch tại địa chỉ http://www.nhatrangnow.com, http://www.nhatrang-travel.com, http://www.safe.tourism.com.vn.

Kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ lữ hành, du lịch trong hoạt động đón tiếp và phục vụ khách đảm bảo an toàn theo Bộ tiêu chí thích ứng với dịch Covid-19 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh [13, tr. 5-8; 2, tr. 2-5; 16].

Bố trí bộ phận thường trực hỗ trợ du khách tại các địa điểm quy định; công bố số điện thoại đường dây nóng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp biết để kịp thời giải quyết các tình huống phát sinh để phòng, chống dịch tốt nhất, đảm bảo an toàn cho du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng và sử dụng các sản phẩm dịch vụ tại Khánh Hòa.

3.3.3. Đẩy mạnh hoạt động kích cầu du lịch

Đẩy mạnh hoạt động kích cầu thu hút khách, như: Giảm giá nhưng không giảm chất lượng, tăng dịch vụ bổ sung nhưng không tăng giá để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tất cả khách đến Khánh Hòa du lịch; quảng bá thông tin, hình ảnh du lịch Khánh Hòa tại các hội chợ, hội thảo, sự kiện du lịch lớn trong nước; tổ chức chương trình Roadshow xúc tiến, gặp gỡ hợp tác các doanh nghiệp du lịch nội địa; mời và đón tiếp các đoàn Famtrip doanh nghiệp lữ hành đến khảo sát, tìm hiểu, hợp tác phát triển du lịch tại Khánh Hòa để hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối lại thị trường du lịch trọng điểm, sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Tổ chức các hoạt động văn hóa – nghệ thuật, ẩm thực, sự kiện thể thao và những hoạt động lễ hội lớn trong năm 2022 như: Chương trình nghệ thuật đường phố biểu diễn nghệ thuật tuồng, dân ca bài Chòi, làm gốm, dệt thổ cẩm, múa Chăm. Trong đó, Liên hoan Du lịch Biển Nha Trang, Cuộc thi Hoa hậu Du lịch Biển Việt Nam, Lễ hội trái cây Khánh Sơn… là những sự kiện trọng tâm của ngành trong năm 2022, góp phần thành công cho hoạt động kích cầu du lịch Khánh Hòa từ đó từng bước phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng trong thời gian sớm nhất.

Liên kết doanh nghiệp trong tỉnh với các địa phương khác để xây dựng chương trình tour, gói sản phẩm du lịch liên vùng; đồng thời tổ chức thường niên các sự kiện lễ hội, văn hóa, thể dục thể thao…, gắn du lịch với giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao giữa các vùng miền trong nước.

Từng bước phục hồi thị trường du lịch quốc tế truyền thống, đặc biệt là thị trường khách Tây Âu, Bắc Âu: Nga, Thụy Điển; Bắc Mỹ: Hoa Kỳ, Canada; Đông Bắc Á: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; ASEAN: Lào, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Singapore…; châu Đại dương: Australia, New Zealand. Ngoài ra, trong năm 2022, du lịch Khánh Hòa cần hướng tới thị trường Ấn Độ và các nước khu vực Trung Âu.

3.3.4. Phát triển đa dạng hóa các loại hình/sản phẩm du lịch đặc thù

Tuy hiện nay ở Khánh Hòa có 8 sản phẩm du lịch được các chuyên gia và khách du lịch đánh giá ở mức độ tốt, trong đó 3 sản phẩm trở thành thương hiệu “đẳng cấp” là: sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe bằng bùn khoáng, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí biển, đảo và sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm hang yến thiên nhiên trên đảo Hòn Nội, Hòn Ngoại và sử dụng sản phẩm yến sào; nhưng việc khai thác chúng còn nhiều hạn chế, bất cập như: Chất lượng một số sản phẩm chưa cao và còn đơn điệu, chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có, thậm chí sản phẩm du lịch chủ đạo là biển đảo trong hơn 10 năm qua cũng không có chuyển biến nhiều về chất lượng và loại hình; dịch vụ du lịch bổ sung còn rời rạc và thiếu sự quy hoạch, thiếu các trung tâm mua sắm mang tầm quốc tế, các điểm sự kiện văn hóa ban đêm; sản phẩm du lịch văn hóa chỉ dừng lại ở chương trình tham quan thành phố Nha Trang với các điểm đến khiêm tốn là Tháp Bà Ponagar, chùa Long Sơn, nhà thờ Núi, làng gốm Lư Cấm, làng chiếu Ngọc Hiệp, nhà cổ ông Hải, lễ hội Tháp Bà, còn nhiều điểm đến khác có giá trị đặc sắc không được chú ý khai thác [5]. Để đa dạng hóa loại hình/sản phẩm du lịch đặc thù, cần:

Nâng cấp, phát triển mới các điểm đến, sản phẩm du lịch theo 3 nhóm (sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch chính và sản phẩm du lịch bổ trợ) trên cơ sở liên kết các tour, tuyến, điểm du lịch trong tỉnh với các địa phương để hình thành các tuyến du lịch vùng/liên vùng và tạo ra những các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc.

Đầu tư xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới trong Đô thị du lịch Nha Trang như: Khu kinh tế đêm, sở thú, công viên nước, trung tâm biểu diễn, phim trường … và các loại hình vui chơi, giải trí mạo hiểm gắn với tài nguyên biển, đảo. Ngoài ra, tỉnh cần sớm hoàn thiện khu nghỉ dưỡng biển và khu dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp tại Khu du lịch Bắc Cam Ranh; khởi công xây dựng Quần thể nghỉ dưỡng biển đẳng cấp ở vịnh Vân Phong – Đại Lãnh…

Huy động nguồn lực để đầu tư phát tiển và tiến hành khai thác du lịch sinh thái núi (nghỉ mát, thể thao leo núi…, phát triển ở không gian phía Tây tỉnh), du lịch công vụ, thăm thân (phát triển chủ yếu ở khu vực thành phố Nha Trang và phụ cận), du lịch cộng đồng tại xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa) và xã Diên An (huyện Diên Khánh)…

3.3.5. Tăng cường công tác truyền thông

Tổ chức giới thiệu các sản phẩm dịch vụ mới, những điểm đến hấp dẫn của du lịch xứ Trầm hương trên các phương tiện truyền hình, truyền thông và mạng xã hội, như các website quảng bá du lịch tỉnh (nhatrang-travel.com, nhatrang-travel.com.vn, Fanpage và Zalo official Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa…); ấn phẩm du lịch với nhiều ngôn ngữ khác nhau trên các ứng dụng Instagram, Youtube, Tiktok, Facebook, Google…

Chủ động liên kết hợp tác với các trung tâm du lịch lớn trong và ngoài nước để quảng bá thương hiệu du lịch Khánh Hòa được hiệu quả hơn. Ngoài ra, chính quyền các cấp tích cực tuyên truyền nâng cao, đổi mới nhận thức cho doanh nghiệp, cộng đồng về du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành, liên vùng, mang nội dung văn hóa và nhân văn sâu sắc; do đó, phải ứng xử văn minh, thân thiện với khách, qua đó góp phần nâng cao uy tín và thương hiệu của du lịch xứ Trầm.

3.3.6. Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động du lịch

Đại dịch diễn ra đã khiến việc sử dụng thiết bị di động thông minh và công cụ số càng trở nên thiết yếu. Trong giai đoạn như hiện nay, bên cạnh các kênh truyền thông cũ, ngành du lịch tỉnh cần đầu tư nhiều hơn vào giải pháp truyền thông số cho các phương án truyền thông phục vụ công tác xúc tiến và cung cấp thông tin du lịch cho khách hàng, như: Cổng thông tin du lịch; kho tích hợp dữ liệu du lịch; ứng dụng du lịch trên di động…

Phát triển du lịch thông minh: Xây dựng bản đồ số về các khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ đạt chuẩn phục vụ và hỗ trợ khách trước và sau chuyến đi; số hóa 3D các hiện vật, di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh Khánh Hòa; xây dựng phần mềm hướng dẫn viên ảo, thuyết minh viên tự động với các ngôn ngữ thông dụng tại các khu, điểm du lịch. Ngoài ra, các công ty, đại lý lữ hành cần đẩy mạnh cung cấp dịch vụ đặt vé qua tin nhắn hoặc trên các nền tảng mạng xã hội để tăng khả năng thâm nhập thị trường; ứng dụng rộng rãi công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trực tuyến trên thiết bị di động thông minh trong các giao dịch du lịch.

Có thể nói, việc quảng bá, phát triển du lịch trên cơ sở chuyển đổi số là tương lai của ngành “công nghiệp xuất khẩu tại chỗ”. Trong bối cảnh đang phải phòng, chống dịch bệnh, hướng đi này càng khẳng định tính ưu việt khi các giao dịch du lịch theo phương thức truyền thống đang có xu hướng chuyển sang môi trường số. Ưu điểm của chính sách ứng dụng công nghệ số trong hoạt động du lịch Khánh Hòa là cho phép khách hàng có sự lựa chọn và kiểm soát lịch trình của mình; giúp xây dựng niềm tin và sự tin tưởng lâu dài – là điều kiện cần thiết để sớm kéo du khách trở lại “xứ biển đảo yến”.

3.3.7. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao

Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, doanh nghiệp và cộng đồng về đào tạo nhân lực cao cấp; ưu tiên thu hút nhân lực đạt chuẩn khu vực và quốc tế, hướng tới mỗi người dân Khánh Hòa là một đại sứ du lịch.

Nâng cao năng lực giáo dục và bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; trong đó chú trọng đổi mới phương thức, chương trình học và tài liệu học tập đảm bảo đa dạng, linh hoạt về hình thức truyền tải thông tin, sử dụng công nghệ mới để dạy và học. Gắn kết các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp du lịch nhằm đa dạng hóa loại hình đào tạo, tiến đến xã hội hóa công tác đào tạo trên cơ sở liên kết của 3 nhà (nhà trường - nhà kinh tế - nhà khoa học) trong các công đoạn đào tạo.

Chủ động đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên ngoài cho phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của tỉnh.

3.3.8. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch

Cần ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các địa bàn trọng điểm phù hợp với quy hoạch và nhiệm vụ phát triển kinh tế–xã hội của tỉnh, đồng thời bảo vệ, tôn tạo tài nguyên, môi trường của các khu, điểm du lịch tại địa bàn đó.

   Về hạ tầng giao thông đường hàng không: Xây dựng Nhà ga hành khách T3, Cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh; sớm hoàn thành quy hoạch và tiến hành xây dựng giai đoạn 1 sân bay phục vụ charter tại Quần thể du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp ở vịnh Vân Phong – Đại Lãnh.

Về hạ tầng giao thông đường bộ: Xây dựng công trình dịch vụ du lịch ngầm dọc tuyến đường Trần Phú (đoạn trung tâm thành phố Nha Trang); hệ thống biển báo, chỉ dẫn du lịch tại các đầu mối giao thông và các trọng điểm du lịch của tỉnh; bãi đậu/đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng trong Đô thị du lịch Nha Trang; trạm dừng chân trên các tuyến quốc lộ có kết nối liên vùng, liên tỉnh. Phát triển các tuyến vận tải hành khách đến các khu, điểm du lịch: mở thêm các tuyến xe, nâng cao chất lượng phương tiện, dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại…

   Về hạ tầng giao thông đường thủy: Nâng cấp Cảng Biển du lịch Nha Trang đạt chuẩn quốc tế; các bến thuyền du lịch dọc sông Cái Nha Trang và hệ thống các bến cảng/thuyền du lịch kết nối bến tàu Nha Trang với các điểm du lịch trong tỉnh.

   Về hạ tầng du lịch: Tập trung đầu tư hình thành các trung tâm tổ chức sự kiện có quy mô lớn, mang thương hiệu quốc gia, quốc tế; xây dựng hệ thống thu gom và xử lý chất thải du lịch trên các đảo; đấu nối điện, nước và hệ thống thu gom nước thải từ các cơ sở dịch vụ du lịch khu vực ven biển với hệ thống thu gom và xử lý nước thải chung của tỉnh. Phát triển hệ thống điện mặt trời trên các đảo du lịch và hệ thống hạ tầng viễn thông, mạng Internet không dây tại các khu, điểm du lịch và các khách sạn, nhà hàng, trung tâm dịch vụ du lịch.

3.3.9. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch

Trước tiên, cần kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước về du lịch theo hướng tinh gọn nhưng hiệu quả; đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh trong việc xây dựng nếp sống văn minh, bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh, an toàn cho khách, tạo dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện; công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ và quản lý điểm đến; thường xuyên tuyên truyền phổ biến pháp luật về du lịch, đặc biệt là những hướng dẫn, chỉ đạo của tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong phát triển du lịch; công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai trong họat động du lịch…

4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

4.1. Kết luận

Năm 2022 dần khép lại với nhiều khó khăn do dịch bệnh: Cuộc sống người dân chao đảo, sức tăng trưởng kinh tế thấp và những chỉ tiêu không đạt như kế hoạch đề ra. Ngành du lịch Khánh Hòa gần như tê liệt hoàn toàn, chịu thiệt hại vô cùng nặng nề. Thủ phủ du lịch Nha Trang với các trọng điểm du lịch như: Tháp Bà Ponagar, Hòn Chồng, vịnh Nha Trang… “đóng cửa”, khiến lượng khách đến Khánh Hòa giảm mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu du lịch của địa phương.

Thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế–xã hội, tỉnh Khánh Hòa thay đổi chiến lược phát triển từ Zero Covid sang sống chung với chúng; đồng thời triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp để sẵn sàng đón khách trở lại, như xây dựng mô hình du lịch an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ và các sản phẩm du lịch… Dù lượng khách đến Khánh Hòa chưa nhiều nhưng các hoạt động du lịch đang dần phục hồi khá tốt, lạc quan xen lẫn nhiều thách thức, khó khăn. Do đó, trong giai đoạn bình thường mới và những năm tới, tỉnh cần xây dựng và thực hiện những giải pháp hữu hiệu để phục hồi và phát triển du lịch chất lượng, bền vững.

Hy vọng bước sang năm 2023, tình hình phát triển kinh tế-xã hội Khánh Hòa nói chung và ngành du lịch nói riêng đạt tốc độ tăng trưởng cao.

4.2. Kiến nghị

Ngoài 9 nhóm giải pháp được đề xuất nhằm phục hồi và thúc đẩy phát triển du lịch trong giai đoạn bình thường mới, bài viết đưa ra một số kiến nghị:

Thứ nhất, ngành du lịch tỉnh và các doanh nghiệp cần thu hút lao động có kinh nghiệm, có tay nghề trở lại làm việc bằng cách thực hiện tốt chính sách lương, cải thiện môi trường làm việc, đào tạo bổ sung những kiến thức, kỹ năng chuyên môn phù hợp với tình hình mới; sau đó, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên có chuyên môn nghiệp vụ vững, đạo đức nghề nghiệp tốt và có khả năng giao tiếp bằng các ngoại ngữ khác.

Thứ hai, tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ lữ hành, du lịch phục hồi và phát triển hoạt động, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Khánh Hòa từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Thứ ba, các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội du lịch chủ động xây dựng kế hoạch và dự kiến thời gian tổ chức các hoạt động kích cầu, xúc tiến du lịch tại các thị trường khách nội địa và quốc tế.

Thứ tư, trên cơ sở nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, phát triển những sản phẩm du lịch có tính đặc thù, hấp dẫn để khai thác tối đa thời gian vui chơi và kéo dài thời gian lưu trú của du khách, ngành du lịch quan tâm đầu tư phát triển các điểm đến, trong đó chú trọng nâng cấp, phát triển Đô thị du lịch Nha Trang để tạo ra hình ảnh mới, hấp dẫn thu hút khách đến với Khánh Hòa.

Thứ năm, tập trung nguồn lực để giải phóng mặt bằng, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở nội thành Nha Trang trong mùa du lịch và những ngày lễ, Tết.

Thứ sáu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phát triển du lịch, từng bước tiến hành chuyển đổi số trong toàn ngành.

Th.S Nguyễn Duy Trường

Trường Đại học Khánh Hòa

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Khánh Hòa, (2021). Công văn số 10779/BCĐ ngày 27/10/2021 về Xây dựng kế hoạch, phương án đón, phục vụ khách du lịch đáp ứng tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Được lưu tại Văn phòng Sở Du lịch Khánh Hòa.

2. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Khánh Hòa, (2021). Hướng dẫn số 11492/HD-BCĐ ngày 12/11/2021 về Triển khai Giai đoạn 3 Kế hoạch thích ứng an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế–xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Được lưu tại Văn phòng Sở Du lịch Khánh Hòa.

3. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Khánh Hòa, (2021). Công văn số 13375/BCĐ ngày 30/12/2021 về Hướng dẫn tạm thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh qua Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh và các cảng hàng không quốc tế khác về lưu trú tại tỉnh Khánh Hòa. Được lưu tại Văn phòng Sở Du lịch Khánh Hòa.

4. Xuân Hương (2021), Khánh Hòa: Ngành Du lịch đối diện nhiều khó khăn, thách thức trước dịch Covid-19, http://baovanhoa.vn/%C4%91oi-song/artmid/2070/articleid/37575/khanh-hoa-nganh-du-lich-doi-dien-nhieu-kho-khan-thach-thuc-truoc-dich-covid-19, truy cập ngày 15/6/2022.

5. Đỗ Phương Quyên, Phan Thị Hải Yến (2020). Hiện trạng sản phẩm du lịch tỉnh Khánh Hòa. Tạp chí Công thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, ISSN: 0866-7756, số 14, tháng 6/2020.

6. Sở Du lịch Khánh Hòa, (2019). Báo cáo số 1917/BC-SDL ngày 31/12/2019 v/v Tổng kết công tác du lịch năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020. Được lưu tại Văn phòng Sở Du lịch Khánh Hòa.

7. Sở Du lịch Khánh Hòa, (2020). Phục lục Số liệu kết quả hoạt động kinh doanh du lịch năm 2020. Được lưu tại Văn phòng Sở Du lịch Khánh Hòa.

8. Sở Du lịch Khánh Hòa, (2021). Phục lục Số liệu kết quả hoạt động kinh doanh du lịch tháng 9 năm 2021. Được lưu tại Văn phòng Sở Du lịch Khánh Hòa.

9. Sở Du lịch Khánh Hòa, (2021). Phục lục Số liệu kết quả hoạt động kinh doanh du lịch năm 2021. Được lưu tại Văn phòng Sở Du lịch Khánh Hòa.

10. Sở Du lịch Khánh Hòa, (2022). Báo cáo Tình hình hoạt động du lịch trong dịp Lễ 30/4 và 1/5. Được lưu tại Văn phòng Sở Du lịch Khánh Hòa.

11. Sở Du lịch Khánh Hòa, (2022). Phục lục Số liệu kết quả hoạt động kinh doanh du lịch 6 tháng đầu năm 2022. Được lưu tại Văn phòng Sở Du lịch Khánh Hòa.

12. Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, (2021). Kế hoạch số 6606/KH-UBND ngày 16/7/2021 về việc Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch covid-19 trên địa bàn tỉnh. Được lưu tại Văn phòng Sở Du lịch Khánh Hòa.

13. Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, (2021). Kế hoạch số 9696/KH-UBND ngày 30/9/2021 về Thích ứng an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế–xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Được lưu tại Văn phòng Sở Du lịch Khánh Hòa.

14. Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, (2021). Hướng dẫn số 11368/HD-UBND ngày 10/11/2021 về Thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Khánh Hòa. Được lưu tại Văn phòng Sở Du lịch Khánh Hòa.

15. Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, (2021). Kế hoạch số 12148/KH-UBND ngày 29/11/2021 về Triển khai thực hiện chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Được lưu tại Văn phòng Sở Du lịch Khánh Hòa.

16. Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, (2021). Kế hoạch số 12800/KH-UBND ngày 16/12/2021 về Phục hồi và phát triển kinh tế–xã hội tỉnh Khánh Hòa. Được lưu tại Văn phòng Sở Du lịch Khánh Hòa.

17. Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, (2022). Quyết định số 456/QĐ-UBND ngày 15/2/2022 về việc Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Hành động ngành du lịch Khánh Hòa năm 2022. Được lưu tại Văn phòng Sở Du lịch Khánh Hòa.

18. Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, (2022). Kế hoạch Phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Khánh Hòa (Ban hành theo Quyết định số 755/QĐ-UBND ngày 22/3/2022 của UBND tỉnh). Được lưu tại Văn phòng Sở Du lịch Khánh Hòa.

19. Anh Vũ (2021), Khánh Hòa: Triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tháo gỡ khó khăn, https://bvhttdl.gov.vn/khanh-hoa-trien-khai-chinh-sach-ho-tro-doanh-nghiep-du-lich-thao-go-kho-khan-20211008145624094.htm, truy cập ngảy 16/5/2022.

(Nguồn: Kỷ yếu hội thảo “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới”)

 

 
Khoa Khoa học XH&NV