Th.s Nguyễn Duy Trường: nguyenduytruong@ukh.edu.vn
Trường Đại học Khánh Hòa
Tóm tắt
Thực hiện chủ trương của Trung ương, Khánh Hòa xác định Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, tạo sự phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng. Thời gian qua, việc chuyển đổi số ở Khánh Hòa đã có nhiều chuyển biến tác động đến các ngành nghề, lĩnh vực của đời sống xã hội, sản xuất kinh doanh và hoạt động quản trị địa phương tại Khánh Hòa. Bên cạnh những kết quả tích cực đáng ghi nhận, hoạt động chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt. Trong thời gian tới, trên cơ sở phát huy những thành tựu đạt được, từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế, tạo động lực để đạt được những mục tiêu về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đã đề ra trong Nghị quyết 16 của Tỉnh ủy.
Từ khóa: Chuyển đổi số, GRDP Khánh Hòa, kinh tế số.
DIGITAL TRANSFORMATION AND ECONOMIC DEVELOPMENT IN KHANH HOA: RESULTS AND CURRENT CHALLENGES
Abstract
Implementing the Central Committee’s direction, Khanh Hoa Province has identified the digital transformation as an essential requirement to achieve breakthrough development in the context of the Fourth Industrial Revolution, which is taking place strongly and widely. In recent times, the digital transformation in Khanh Hoa has brought positive changes, impacting various sectors, social aspects, production, business, and local governance in the province. In addition to the remarkable positive results, the province’s digital transformation and digital economy development activities still face many challenges. In the coming time, on the basis of promoting the achievements, it is necessary to gradually overcome difficulties and limitations, and create momentum to achieve the goals of digital transformation and digital economy development set out in Resolution 16 of the Provincial Party Committee.
Keywords: Digital transformation, Khanh Hoa GRDP, Digital economy.
1. Giới thiệu
Khánh Hòa xác định chuyển đổi số là giải pháp đột phá để số hóa thành công nền kinh tế và là con đường ngắn nhất để tỉnh phát triển nhanh, hiện đại, bền vững; đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều văn bản pháp luật về chuyển đổi số… Đến nay, hơn 90% sở ban ngành, địa phương, doanh nghiệp đã triển khai chuyển đổi số. Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình chuyển đổi số đã bộc lộ nhiều hạn chế xen lẫn những thách thức, khó khăn. Để đạt mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 16, là “Đến năm 2025, Khánh Hòa là 1 trong 25 địa phương đứng đầu về chuyển đổi số, kinh tế số đóng góp 10% GRDP tỉnh; đến năm 2030, nằm trong nhóm 20 địa phương đứng đầu về chuyển đổi số, kinh tế số đóng góp 30% GRDP tỉnh” (Tỉnh ủy Khánh Hòa, 2021), trước mắt tỉnh cần thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ và giải pháp cơ bản về chuyển đổi số…
2. Phương pháp nghiên cứu
Trên cơ sở tìm hiểu các nghiên cứu, văn bản liên quan đến chính sách, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số quốc gia; kết hợp nghiên cứu tài liệu gốc nên thông tin, số liệu trong bài viết có độ tin cậy. Qua đó, hi vọng góp phần tạo nên thành công chung của Hội thảo.
3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
3.1. Kết quả ban đầu về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ở Khánh Hòa
3.1.1. Tổng quan về kinh tế số Khánh Hòa
Thời gian qua, kinh tế số có đóng góp đáng kể vào cơ cấu GRDP Khánh Hòa; giai đoạn 2016-2020, chiếm tỉ trọng 6,1%/năm GRDP tỉnh; 2021-2022, đạt tỉ trọng 7,2%/năm; dự kiến giai đoạn 2023-2025 đạt 8,3%-10,3%/năm. Riêng 9 tháng năm 2023, GRDP tỉnh ước đạt 43.635,2 tỉ đồng, tăng 9,17%, xếp hạng 5 cả nước và đứng thứ 1 khu vực miền Trung (Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa, 2023, tr. 2).
Tại Khánh Hòa, chuyển đổi số được triển khai ở nhiều lĩnh vực ngành nghề, từ công nghiệp đến nông nghiệp, thương mại, vận tải, ngân hàng, y tế, giáo dục... Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo dần trở thành nhân tố chính quan trọng, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Mặc dù, các doanh nghiệp trong các lĩnh vực này nhận thức rõ tầm quan trọng của công nghệ số nhưng họ gặp khó khăn khi áp dụng. Tuy nhiên, với bối cảnh và vị thế Khánh Hòa hiện nay, đây là những ngành tiềm năng cho nền kinh tế số của tỉnh trong thời gian tới, được kì vọng là lĩnh vực phát triển “đột phá” của tỉnh.
Theo Báo cáo tóm tắt Chuyển đổi số Quốc gia, phát triển Chính phủ số tháng 7/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉ trọng kinh tế số/GDP cả nước đạt 14,96% trong 6 tháng đầu năm 2023 thì kinh tế số của Khánh Hòa chiếm khoảng 9,17%/GRDP tỉnh. Mặc dù tỉ lệ chuyển đổi sang kinh tế số trong toàn bộ nền kinh tế của tỉnh chưa nhiều nhưng phải khẳng định rằng, kinh tế số đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của Khánh Hòa, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân.
3.1.2. Chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực tại Khánh Hòa
Chuyển đổi số bước đầu đã có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Các cấp ủy, chính quyền đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành. Trung tâm điều hành thông minh, trung tâm tích hợp dữ liệu được đầu tư, xây dựng; các hệ thống dùng chung như: Thư điện tử, quản lý văn bản đi – đến, cổng/trang thông tin điện tử, cổng dịch vụ công và một cửa điện tử, giao ban điện tử. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh được liên thông 3 cấp hành chính và kết nối với Trung ương… Tính đến nay, việc cung cấp dịch vụ công mức độ 4 tại tỉnh đạt 100%. Tỉ lệ tiếp nhận và xử lý hồ sơ điện tử tại các đơn vị cấp tỉnh đạt 100%. Hạ tầng viễn thông – công nghệ thông tin (TII) phát triển khá tốt với 740 tuyến cáp ngoại vi viễn thông (tổng chiều dài tuyến là 5.310km) và 2.092 trạm thu phát sóng thông tin di động; 98% dân số có điện thoại thông minh sử dụng mạng di động băng rộng 4G; 87% gia đình có kết nối Internet băng rộng cáp quang; 74% dân số sử dụng Internet; hơn 75% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc tổ chức tài chính (Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, 2023a, tr. 3); 100% cán bộ, công chức cấp sở, cấp huyện được trang bị máy tính phục vụ công tác, cấp xã là 85%, với 6.132 tài khoản thư điện tử công vụ (Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, 2023b, tr. 20) hỗ trợ cán bộ giải quyết công việc nhanh chóng, góp phần hiện đại hóa công tác quản lý, điều hành.
Kinh tế số đang được ứng dụng trong các ngành nghề, lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh; xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet. Hoạt động thương mại điện tử phát triển nhanh, các doanh nghiệp tăng cường quảng bá trên nền tảng số và các sàn thương mại điện tử. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (2022), Khánh Hòa có 1 sàn thương mại điện tử, 187 website bán hàng, 5 website cung cấp dịch vụ; 100% doanh nghiệp có kết nối Internet, khoảng 75% doanh nghiệp có sử dụng phần mềm chuyên ngành; phần lớn doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử dụng thư điện tử để giao dịch và thực hiện hợp đồng điện tử với đối tác nước ngoài. Điển hình, mỗi ngày có hơn 10.000 lượt truy cập vào Cổng Thông tin điện tử Xúc tiến đầu tư Khánh Hòa, đã có nhiều tập đoàn lớn như Tập đoàn Sungroup, Công ty Flamingo Holding… đã đầu tư vào các dự án của tỉnh.
Hầu hết các đơn vị cung cấp dịch vụ điện nước, viễn thông và truyền thông đã nhận thanh toán phí dịch vụ qua phương tiện điện tử. Một số cơ sở y tế, trường học, siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Phần lớn người tiêu dùng đã hướng đến hình thức mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các ứng dụng và các website thương mại điện tử bán hàng…, tạo ra xu hướng “tiêu dùng, thanh toán online” trong nhân dân. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (2023, tr. 56), Chỉ số thương mại điện tử 2023 của Khánh Hòa đạt 23,3 điểm, xếp hạng 8 cả nước. Đó là những lợi thế để tỉnh đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, tạo nền tảng vững chắc phát triển nền kinh tế số.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, chế tạo/sản xuất đang tích cực đổi mới công nghệ, đổi mới mô hình kinh doanh, quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị và phát triển bền vững; sử dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý, giám sát nhân công - tiền lương và đánh giá phân hạng chất lượng sản phẩm, quản lý chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu, chăm sóc khách hàng... Một số sản phẩm công nghiệp có tính thương mại cao đã lên sàn giao dịch: Điện sản xuất; đường RE; điện thương phẩm.
Trong du lịch, chỉ với chiếc điện thoại có kết nối Internet, khách tự thiết kế tour từ đặt dịch vụ, chọn điểm đến…, thậm chí có cả một “hướng dẫn viên” thông minh thực hiện tour mà không cần tương tác trực tiếp với bất kì ai thông qua các ứng dụng My NhaTrang, Face ID, App Vietravel, Alma Resort… 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch – lữ hành sử dụng website để quảng bá và hơn 50% doanh nghiệp thực hiện phương thức bán hàng và thanh toán trực tuyến (Sở Du lịch, 2022).
Các chi nhánh tài chính - ngân hàng triển khai đồng bộ nhiều ứng dụng công nghệ như hệ thống máy giao dịch thế hệ mới (STM), định danh xác thực khách hàng điện tử (eKYC), nhận diện giọng nói (Voice recognition), nhận diện khuôn mặt (Face ID), công nghệ phân tích chuyển thể từ hình ảnh sang chữ, QR code, ví điện tử…, cùng với 38 chi nhánh, tổ chức tín dụng và 4 quỹ tín dụng với 183 điểm giao dịch ngân hàng và 318 máy ATM, 45 tổ chức kinh tế làm đại lý đổi ngoại tệ với 73 điểm giao dịch, 11 đại lí chi trả ngoại tệ (Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa, 2023, tr. 4-5) phân bố khắp các địa phương trong tỉnh, đã đáp ứng kịp thời nhu cầu giao dịch của người dân và doanh nghiệp, tạo sự an toàn, tiện lợi, thoải mái cho khách hàng.
Ngành Thủy sản đã áp dụng công nghệ cao trong nuôi biển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường bằng lồng nuôi sử dụng vật liệu HDPE; Nông nghiệp đang chuyển đổi theo mô hình nông nghiệp sinh thái, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị và phát triển bền vững, mở ra hướng đi mới cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Ngành vận tải đang tiếp tục triển khai các ứng dụng: Phần mềm VBMS, DAT; thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển, khai thác hệ thống kho, bến, bãi phục vụ vận tải logistics… Đặc biệt, tỉnh đã hình thành Trung tâm Quản lý điều hành giao thông công cộng, được xem là hình mẫu hiệu quả trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Y tế tiếp tục đẩy mạnh triển khai bệnh viện thông minh, bệnh án điện tử để hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh và quản trị y tế thông minh dựa trên các nền tảng số như Ourhealth, Viettel HIS, Telehealth, PACS, phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe và chẩn đoán hình ảnh (AI)…
Giáo dục chuyển biến tích cực, chất lượng đào tạo được nâng cao, đặc biệt là quy mô giáo dục được mở rộng đến những khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa của tỉnh. Nhiều nền tảng, ứng dụng được triển khai hiệu quả, nhất là nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa; nền tảng quản lý và chia sẻ tài nguyên học tập, giảng dạy; số hóa tài liệu, giáo trình... Qua đó, trình độ sử dụng công nghệ của người dạy và người học được nâng cao. Đây là tín hiệu tốt đảm bảo nguồn nhân lực kế cận sẽ nắm được công nghệ hiện đại, và từ nền tảng vững chắc này, nền kinh tế số của tỉnh ngày càng phát triển.
Việc triển khai chuyển đổi số tại các cơ quan, địa phương trong tỉnh đã tạo ra những chuyển biến tích cực đáng ghi nhận, góp phần thay đổi thói quen, cách làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chuyên môn bằng công nghệ số và nền tảng, dữ liệu số. Nhờ đó, các chỉ số đánh giá quan trọng của tỉnh trong năm 2022 đều được cải thiện rất tích cực: Chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index) xếp hạng 25, tăng 23 bậc; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp hạng 16, tăng 28 bậc; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp hạng 16, tăng 24 bậc; Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) xếp hạng 34 (Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, 2023b, tr. 20-22).
Có thể nói, chuyển đổi số để phát triển kinh tế số đang diễn ra mạnh mẽ tại Khánh Hòa, giúp các ngành, đơn vị, doanh nghiệp khẳng định thương hiệu, nâng cao hiệu quả kinh doanh để tiến gần hơn với trào lưu chung của cả nước.
3.2. Những vấn đề đặt ra
Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ở Khánh Hòa đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, song so với các địa phương khác, thành tựu của tỉnh còn khiêm tốn bởi trong quá trình triển khai còn nhiều hạn chế, khó khăn. Đó là:
3.2.1. Nhận thức về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số còn thấp
Chuyển đổi số được chính quyền tỉnh đặc biệt quan tâm ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhưng đây là nhiệm vụ rất mới mẻ, chưa có tiền lệ trước đây nên nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý, doanh nghiệp và người dân còn thấp và chậm, trong khi cơ chế chính sách còn yếu dẫn tới nhu cầu, kế hoạch và hành động cho phát triển kinh tế số còn chưa kịp thời và hiệu quả. Ngoài ra, sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ và các phương thức kinh doanh đã tác động đến tâm lý của nhiều cán bộ. Họ sợ sai, sợ trách nhiệm nên né tránh, trì hoãn thực thi công vụ liên quan đến kinh tế số, dẫn đến công tác quản lý ở nhiều đơn vị còn dàn trải, lúng túng làm suy giảm niềm tin của nhân dân, kìm hãm động lực và nguồn lực phát triển tỉnh.
3.2.2. Thiếu chuyên gia, doanh nghiệp số và một lực lượng lao động thông thạo công nghệ mới. Năng lực nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ chưa ổn định
Kinh tế số đòi hỏi những quy trình và công nghệ phức tạp. Để xây dựng các nền tảng và bảo trì chúng hiệu quả, đòi hỏi có nhiều chuyên gia và nhân lực qua đào tạo. Khánh Hòa đang thiếu điều này. Đa số chuyên gia của Khánh Hòa tập trung trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, nông, lâm nghiệp và thủy sản; ít chuyên gia trong lĩnh vực thông tin và ứng dụng khoa học công nghệ. Số lượng doanh nghiệp số quá ít với 11 doanh nghiệp, chưa đủ mạnh, do đó năng lực nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ còn nhiều hạn chế; các nền tảng thương hiệu Khánh Hòa chưa được thương mại hóa. Còn các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ nhà yến, thiết bị viễn thông, sản xuất fucoidan vẫn chưa có chiến lược phát triển lâu dài và hạn chế về thị trường nên sản phẩm chưa được hình thành liên tục. Các chương trình khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự kết nối.
Phần lớn người dân và người lao động chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng số để có thể khai thác hiệu quả kho tri thức số trên mạng và áp dụng công nghệ số vào hoạt động của mình. Hiện, tỉnh đang rất thiếu kỹ sư công nghệ có trình độ và năng lực quản lý có thể đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số hiện nay và trong tương lai. Nhân lực chuyên trách về an toàn thông tin chưa được đào tạo chuyên sâu, ít kinh nghiệm thực tế trong đánh giá, xử lý các sự cố an ninh mạng. Vấn đề này nếu không được khắc phục sẽ là điểm nghẽn lớn cho chiến lược chuyển đổi số của tỉnh. Do đó, nhu cầu đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực trở nên cấp bách.
3.2.3. Chi phí đầu tư cao
Thông thường, các dự án đầu tư công nghệ sẽ tốn nhiều chi phí từ việc đầu tư công cụ, đổi mới quy trình, xây dựng hệ thống… gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ (SMEs). Do đó, phần lớn doanh nghiệp chỉ mới quan tâm chứ chưa thực sự triển khai thực hiện, hoặc chỉ ưu tiên đầu tư vào các hình thức tăng trưởng ngắn hạn mà thôi. Ngoài ra, tâm lý, thói quen mua sắm truyền thống và thị hiếu tiêu dùng tiền mặt của đa số người tiêu dùng cũng đã gây ra những khó khăn nhất định để các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Việc sử dụng Internet để trao đổi thương mại điện tử còn nhiều hạn chế và chưa chuyên nghiệp, thông tin chậm cập nhật, phương thức thanh toán qua mạng còn gây nhiều khó khăn cho khách hàng và tính bảo mật chưa cao.
Nền kinh tế số yêu cầu phải có hạ tầng vững chắc, đường truyền Internet tốc độ cao, mạng di động và viễn thông mạnh. Trong khi ở Khánh Hòa, việc phát triển mạng lưới hạ tầng còn chậm, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của tỉnh; các ứng dụng và cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn ít, chưa đồng bộ. Tốc độ mạng băng rộng ở mức trung bình khá, việc kết nối chia sẻ dữ liệu hai chiều chưa thật đầy đủ, bởi tỉ lệ cung ứng dữ liệu mở của tỉnh chỉ đạt 10%. Các cơ sở kinh doanh gặp khó khăn trong xây dựng thương hiệu số trên Internet hay đăng tải sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử; chưa có nhiều sàn giao dịch hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
3.2.4. Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin thấp
Mặc dù Khánh Hòa nằm trong nhóm địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao và ngày càng hội nhập sâu rộng; tuy nhiên, mức độ số hóa của tỉnh còn thấp chỉ đạt 0,5576 điểm, đứng thứ 41 vào năm 2022 với các chỉ số thành phần: Chính quyền số (hạng 43, giảm 9 bậc), kinh tế số (hạng 30, tăng 2 bậc), xã hội số (hạng 36, giảm 3 bậc) (Thông tin đánh giá và xếp hạng chuyển đổi số, 2022). Công tác cải cách hành chính còn tồn đọng nhiều hạn chế như: Một số cơ chế, chính sách đầu tư kinh doanh chậm triển khai, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nặng về thủ tục hành chính nên chưa đủ sức hút đối với doanh nghiệp... Kết quả xếp hạng năm 2022 chưa đáp ứng yêu cầu đề ra: Chỉ số cải cách thủ tục hành chính hạng 53, giảm 7,7%; Chỉ số xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số hạng 28, giảm 16,2%; Chỉ số kết quả mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với việc cung cấp dịch vụ hành chính công hạng 53 (Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, 2023b, tr. 22).
Những vấn đề trên đến từ nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Đó là nhận thức về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo doanh nghiệp, người dân, người lao động và trong đời sống xã hội Khánh Hòa còn chưa đầy đủ; nguồn lực đầu tư cho công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; sự quản lý nhà nước trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số chưa theo kịp thực tiễn; sự phối hợp giữa các sở ban ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp chưa thật sự chặt chẽ…
3.3. Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số tại Khánh Hòa
Thời gian tới, để thực hiện có kết quả các chỉ tiêu về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
3.3.1. Chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong toàn tỉnh. Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; vì vậy, trước hết phải chuyển đổi và nâng cao nhận thức của cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, người đứng đầu doanh nghiệp và người lao động về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong bối cảnh hiện nay; về điều kiện, kỹ năng cần thiết để có thể chủ động tích cực tham gia, có thể thích ứng với chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; về khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin, nền tảng và ứng dụng công nghệ trước khi có hành động cụ thể. Các cấp ủy, lãnh đạo chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp phải xem đây là trách nhiệm của mình để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này.
3.3.2. Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tạo động lực đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Trên cơ sở chủ trương của Trung ương, cần rà soát, nghiên cứu, sửa đổi bổ sung, xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản về công nghệ thông tin và truyền thông, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; về bảo vệ sở hữu trí tuệ; về thanh toán điện tử và phát triển thị trường thương mại điện tử an toàn, bền vững; về quy trình giải quyết các vấn đề nảy sinh. Trong đó, đặc biệt quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng chiến lược, dự án, đề án, kế hoạch chuyển đổi số, phát triển kinh tế số một cách khoa học, hiệu quả và phù hợp với khả năng, điều kiện thực tiễn của đơn vị.
3.3.3. Phát triển hạ tầng số là nhiệm vụ hàng đầu và là giải pháp quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Do đó, cần ưu tiên đầu tư sớm đảm bảo sự đồng bộ, hiện đại và phải đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin, dữ liệu. Trước tiên, nâng cấp hạ tầng thiết bị tại Trung tâm dữ liệu tỉnh, từ đó từng bước phát triển, hoàn thiện chuyển đổi IPv6, LGSP, điện toán đám mây, 5G, thanh toán số, IoT, hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao…, đáp ứng yêu cầu kết nối lưu trữ, xử lý dữ liệu cũng như yêu cầu kỹ thuật cho việc triển khai chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế của tỉnh.
Đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ các hệ thống thông tin như: Định danh và xác thực điện tử, thanh toán điện tử…; các nền tảng số như: Năng lượng thông minh, đô thị thông minh…; cơ sở dữ liệu ngành và kho dữ liệu dùng chung của tỉnh theo tiêu chuẩn kho lưu trữ số và tích hợp với Cổng dữ liệu quốc gia.
3.3.4. Thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, phát triển các nền tảng số trong các ngành, lĩnh vực kinh tế. Phát huy vai trò “đầu tàu” của các doanh nghiệp công nghệ nhằm hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp khác triển khai chuyển đổi số. Tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số và ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới. Hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất từ gia công, lắp ráp sang thiết kế, chế tạo/sản xuất trên nền tảng công nghệ số.
3.3.5. Nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ, chất lượng nguồn nhân. Cơ cấu lại toàn bộ hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ công lập đang đóng trên địa bàn tỉnh. Thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, các trường đại học, viện nghiên cứu là các chủ thể nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.
Xây dựng chương trình đào tạo và đào tạo lại kiến thức ngành nghề, khoa học công nghệ, kỹ năng số… theo hướng phát triển tư duy sáng tạo của người học; cập nhật giáo trình công nghệ thông tin gắn với các xu thế công nghệ mới như IoT, AI, công nghệ Robot… Gắn kết nhà trường với các tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nhằm phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra. Kết nối hợp tác với các tổ chức công nghệ số, kinh tế số để nâng cao trình độ, kỹ năng số cho nhân lực của tỉnh. Có cơ chế, chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao trong các ngành dịch vụ, du lịch, công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến - chế tạo, logistics, chăm sóc sức khỏe, thủy sản và hậu cần nghề cá, nông nghiệp công nghệ cao. Quan tâm xây dựng đội ngũ chuyên gia an toàn, an ninh mạng kết hợp đầu tư trang thiết bị, phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại để kiểm tra, kiểm soát an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu trong chuyển đổi số.
3.3.6. Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với phát triển chính quyền số. Trong đó, tập trung cải thiện vị trí xếp hạng ở các chỉ số: PCI, PAR-Index, PAPI, PGI, SIPAS; định kì tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư kinh doanh, hình thành cộng đồng doanh nghiệp số và thu hút các doanh nghiệp số đầu tư vào tỉnh; tăng cường ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là công nghệ chuỗi khối (blockchain), AI, Big data, thực tế ảo/thực tế tăng cường… trong tổ chức điều hành, quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
4. Kết luận
Qua những kết quả đạt được cho thấy, Khánh Hòa có nhiều tiềm năng phát triển thành công, phát triển mạnh kinh tế số. Thế nhưng, để đến được đích thì vẫn còn một chặng đường rất dài với nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết như cơ chế pháp lý, bộ máy thực hiện, môi trường đầu tư kinh doanh và các nguồn lực triển khai các đột phá chiến lược… Trong đó, việc chuyển đổi nhận thức và chất lượng bộ máy quản trị là điều kiện then chốt, có ý nghĩa quyết định. Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số sẽ là tiền đề cơ bản để xây dựng các giải pháp, khởi phát những đổi mới sáng tạo, góp phần thực hiện hiệu quả tiến trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số “Chuyển đổi số là sự thay đổi từ môi trường truyền thống lên môi trường số. Sự thay đổi đó phụ thuộc vào việc có dám hay không dám chấp nhận cái mới. Vì vậy, yếu tố quan trọng nhất là nhận thức”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhận định.
Tài liệu tham khảo
Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Khánh Hòa. (2023), Kết quả hoạt động chuyển đổi số tỉnh Khánh Hòa (6 tháng đầu năm 2023).
Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa. (2023), Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng năm 2023, Khánh Hòa.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số. (2022), Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022, Hà Nội.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam. (2023), Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2023 – Hướng tới phát triển thương mại điện tử bền vững, Hà Nội.
Sở Du lịch. (2022), Phục lục số liệu kết quả hoạt động kinh doanh du lịch Khánh Hòa năm 2022.
Thông tin đánh giá và xếp hạng chuyển đổi số. (2022), “Báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số năm 2022”, truy cập ngày 20/10/2023, từ https://dti.gov.vn/xep-hang-2022.
Tỉnh ủy Khánh Hòa. (2021), Chuyển đổi số tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa. (2023a), Phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2023.
Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa. (2023b), Tình hình, kết quả cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2023 tỉnh Khánh Hòa.
Viện Quản lý kinh tế Trung ương. (2019), Đề tài “Chỉ tiêu năng suất giai đoạn 2010-2015, các giải pháp nâng cao chỉ tiêu năng suất đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 tỉnh Khánh Hòa”.
http://www.infographics.vn.