Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn ❯ Chi tiết
       
  04/11/2024 17:08        

PGS.TS. Ngô Văn Giá và quá trình bảo tồn và phát triển tiếng Việt trong xu hướng toàn cầu hoá

      PGS.TS. Ngô Văn Giá không chỉ là một nhà giáo, nhà báo, nhà văn mà còn là một nhà nghiên cứu phê bình văn học với nhiều công trình học thuật về ngôn ngữ có giá trị, đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn và phát triển tiếng Việt trong xu hướng toàn cầu hóa.

      Ngày 24/10/2024, tại Trường Đại học Khánh Hòa, Trường Đại học Khánh Hòa phối hợp cùng Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc gia “Ngôn ngữ học ứng dụng trong xu hướng toàn cầu hóa”. Nhiều báo cáo tại Hội thảo đã đề cập đến các vấn đề quan trọng đang rất được quan tâm, trong đó có nhiều thảo luận liên quan đến cách giáo dục ngôn ngữ trong nhà trường theo định hướng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

      Trao đổi với chúng tôi về xu hướng nghiên cứu ngôn ngữ học ứng dụng trong bối cảnh toàn cầu hóa và giảng dạy bộ môn Ngữ văn phù hợp với chương trình mới, PGS.TS. Ngô Văn Giá, Nguyên Trưởng khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã có nhiều ý kiến bàn luận về quá trình bảo tồn và phát triển tiếng Việt.

PGS.TS. Ngô Văn Giá chia sẻ về quá trình bảo tồn và phát triển tiếng Việt

      PV: Xin chào PGS.TS. Ngô Văn Giá, rất cảm ơn thầy vì đã nhận lời phỏng vấn! Trước hết, thầy đánh giá như thế nào về Hội thảo quốc gia hôm nay? Theo thầy, hội thảo này có những đóng góp quan trọng gì cho nghiên cứu ngôn ngữ học hiện nay?

      Hội thảo quốc gia “Ngôn ngữ học ứng dụng trong xu hướng toàn cầu hoá” được đồng tổ chức bởi Trường Đại học Khánh Hòa và Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng vừa là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác đào tạo của Nhà trường, vừa là hướng tiếp cận và sinh hoạt học thuật chuyên sâu về ngôn ngữ. Có thể nói, Hội thảo đã đón đầu làn sóng nghiên cứu ngôn ngữ học với góc nhìn nhạy bén, thiết thực, đồng thời phản ánh rõ các vấn đề mũi nhọn đang rất được quan tâm trong bối cảnh toàn cầu hóa. Điều thành công nhất trong Hội thảo ngày hôm nay, đó là chất lượng các bài báo cáo được đánh giá cao, cùng những thảo luận sôi nổi của hơn 200 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia và giảng viên trên cả nước, góp phần tạo nên không khí trao đổi học thuật chuyên nghiệp, cởi mở. Tôi đánh giá rất cao điều đó.

       PV: Dựa trên các báo cáo vừa trình bày, thầy có nhận xét gì về những xu hướng tiếp cận ngôn ngữ học ứng dụng trong vài năm gần đây, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa?

      Trước đây, ngôn ngữ học chỉ được nghiên cứu theo hướng tự trị, có nghĩa là, nó chỉ trọn vẹn và tập trung vào các lĩnh vực thuộc phạm trù ngôn ngữ học, mà ít có sự mở rộng, liên đới và quan tâm đến các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, so với xu hướng học thuật trên thế giới, lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ học tại Việt Nam đã và đang có sự học hỏi, tiếp nhận và phát triển tích cực. Một trong những người tiên phong đi đầu trong việc tiếp nhận các lý thuyết nghiên cứu mới về ngôn ngữ học đó là GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp.

      Theo quan sát của cá nhân tôi, hiện nay, ngôn ngữ học ứng dụng đang phát triển theo chiều hướng mở rộng mối liên hệ giữa ngành ngôn ngữ học với các lĩnh vực khoa học khác. Đây là nhu cầu cần thiết do đòi hỏi khách quan của đời sống xã hội, nhưng đồng thời cũng là yếu tố quan trọng để nhấn mạnh “sức sống” của ngôn ngữ học. Nếu không tiếp tục học hỏi và thay đổi để thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa, ngôn ngữ học sẽ tự “làm nghèo” chính mình.

      Nói rõ hơn, nhìn nhận vấn đề ở góc độ Việt Nam, ngôn ngữ học ứng dụng đã có tiền đề từ lâu với nhiều nghiên cứu về ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ giao tiếp, hoặc các tài liệu học thuật về ngôn ngữ trong văn bản hành chính, văn bản báo chí cũng đã có ít nhiều. Dù vậy, ý thức ngôn ngữ học như là một ngành khoa học ứng dụng mới chỉ thật sự nổi lên trong vài năm trở lại đây.

      Trên tinh thần đó, bên cạnh ngôn ngữ học phổ quát, giới khoa học đã bắt đầu nghiên cứu ngôn ngữ học trong các hoạt động và lĩnh vực cụ thể của đời sống. Ví dụ, nhiều tác giả đã tiếp tục làm sâu sắc thêm những nghiên cứu về ngôn ngữ văn chương - điều mà lâu nay nhiều người vẫn cho rằng đó vẫn là một tất yếu, nhưng sự thật không phải như thế. Bởi lẽ, trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu văn chương tại Việt Nam, ngôn ngữ văn chương đã trải qua nhiều thăng trầm, thậm chí có những lúc còn không nhận được sự quan tâm thỏa đáng. Tuy nhiên, bây giờ là lúc để chúng ta nhìn nhận lại và xem ngôn ngữ văn chương như một nội dung quan trọng trong việc tiếp nhận văn học và nghiên cứu tổng thể văn chương. Biểu hiện rõ nét nhất, đó là các bài viết phân tích văn học dưới lý thuyết nữ quyền luận, phê bình sinh thái, góc nhìn hậu thực dân hoặc xã hội học. Điều này đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải quan tâm đến chiều sâu của ngôn ngữ và chú trọng vào các nhánh chuyên biệt, khác nhau. Đây là một bước tiến lớn, cho thấy tầm quan trọng của việc nghiên cứu ngôn ngữ và làm nên “sức sống” của ngành ngôn ngữ học ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.

      PV: Thưa thầy, làm thế nào để bảo tồn và phát huy những yếu tố độc đáo của ngôn ngữ trong bối cảnh toàn cầu hóa?

      Ý thức ngôn ngữ của một quốc gia là yếu tố hàng đầu để bảo tồn và phát huy văn hóa. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có ý thức ngôn ngữ, đặc biệt các quốc gia phát triển như Anh, Pháp còn có cả luật pháp về ngôn ngữ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa làm được điều này và đây cũng là “món nợ” của các nhà ngôn ngữ học và các nhà lập pháp đối với người dân.

      Theo tôi, cái quan trọng nhất là mình phải biết cách vừa bảo tồn vừa phát triển ngôn ngữ. Nếu chỉ nghiêng về phía gìn giữ và bảo tồn, ngôn ngữ sẽ bị héo mòn và mất dần sức sống. Còn nếu chỉ quan tâm đến khía cạnh phát triển ngôn ngữ, bản thân quốc gia đó sẽ dễ đánh mất bản sắc của mình. Bởi lẽ, ngôn ngữ là ký ức văn hóa, ký ức lịch sử và ký ức của toàn bộ đời sống tinh thần của một dân tộc. Vì vậy, đây là câu chuyện hài hòa trong cách bảo tồn và phát triển ngôn ngữ. Nói cách khác, ngôn ngữ luôn được nhìn ngắm, nghiên cứu và sử dụng với tính chất sống động của nó. Nó là một sự sống ngôn ngữ, chứ không phải là một lĩnh vực ngôn ngữ tĩnh tại.

PGS.TS. Ngô Văn Giá trình bày báo cáo “Tiếp cận và phân tích ngôn ngữ Văn học (từ thực tiễn nghiên cứu, phê bình Văn học Việt Nam)”

       PV: Thưa thầy, trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc giảng dạy và học tập ngôn ngữ ứng dụng tại hoạt động giáo dục tại Việt Nam đã thay đổi như thế nào? Thầy có thể chia sẻ những điểm nổi bật và thách thức mà giảng viên và sinh viên đang gặp phải không?

      Ngôn ngữ như một sinh thể của sự sống, nó không bao giờ đứng yên, mà luôn vận động và biến chuyển không ngừng, nó luôn sinh sôi những cái mới và đào thải những điều cũ. Vì vậy, ngôn ngữ luôn được nghiên cứu trong tính động và tính ứng dụng của nó, nói cách khác, ngôn ngữ luôn được nhìn nhận, phân tích trong tổng thể của sự kiến tạo hình tượng. Không những thế, thành tựu của ngôn ngữ học cấu trúc chức năng, trong đó có ngữ dụng học, thi pháp học, ký hiệu học văn học và ký hiệu học văn hóa cũng đã tác động rất lớn đến người đọc, giới nghiên cứu và đội ngũ thầy cô giáo. Những yếu tố này đã dẫn đến một biểu hiện rất tích cực, đó là trong những năm gần đây, trong ngành ngôn ngữ học chuyên biệt nói riêng và trong nghiên cứu văn chương nói chung, rất nhiều nhà nghiên cứu đã ý thức được điều này và ứng dụng nó vào quá trình giảng dạy, truyền thụ kiến thức.

      Tuy nhiên, song song với đó cũng tồn tại một thực trạng đáng lo. Trong bối cảnh chuyển đổi số nhanh chóng, hội nhập quốc tế sâu rộng và sự thâm nhập mạnh mẽ của các loại hình truyền thông - báo chí,  cũng như ảnh hưởng rộng lớn của các yếu tố văn hóa nước ngoài, ngôn ngữ đang biến đổi rất nhanh: vừa đa dạng, vừa năng động, sáng tạo nhưng đi kèm với đó là sự nhốn nháo, áp đặt, không phù hợp khi sử dụng ngôn ngữ cũng ngày càng gia tăng. Rõ nét nhất là tình trạng xuống cấp của tiếng Việt trong giao tiếp, trong các văn bản hành chính hoặc trong các phương tiện truyền thông đại chúng. Phần nhiều bị sử dụng sai cách, không chuẩn xác, áp đặt hoặc trưng dụng những ngôn từ quá lạc hậu, lệ thuộc vào vốn từ nước ngoài, đánh mất sắc thái ý nghĩa của ngôn ngữ tiếng Việt. Đây là một điều đáng tiếc khi chúng ta đang làm héo mòn sức sống của tiếng Việt.

      Tình trạng này đang rất đáng báo động. Vì vậy, công cuộc gìn giữ vẻ đẹp, sự giàu có, sự trong sáng của tiếng Việt và khả năng biểu đạt ngày càng phong phú, sâu sắc của tiếng Việt phải là mối quan tâm và hành động chung của tất cả chúng ta. Trong đó, trách nhiệm của những người nghiên cứu, giảng dạy Ngữ văn là yếu tố đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Đặc biệt, thế hệ trẻ phải có ý thức gìn giữ tiếng Việt ngay từ việc giao tiếp hằng ngày hoặc trong cách đăng tải nội dung, hình ảnh trên các nền tảng mạng xã hội. Mỗi chúng ta đều cần phải hành động với tinh thần quyết liệt và dấn thân, vì một mục đích chung: Hãy cứu lấy tiếng Việt!

      PV: Theo thầy, giảng viên cần làm gì để giúp người học không chỉ hiểu ngôn ngữ mà còn phát triển khả năng rung cảm thẩm mỹ và biết cách “sống” với ngôn ngữ trong quá trình học văn?

      Trước đây, nhiều giảng viên chỉ đơn thuần hiểu ngôn ngữ như là một công cụ, một phương tiện để diễn đạt nội dung, từ đó dẫn đến việc đi theo lối mòn khen chê sáo rỗng: “câu từ giản dị”, “cách dùng từ thật hay” mà không nắm rõ bản chất của ngôn ngữ. Nên nhớ rằng, ngôn ngữ là một phạm trù rất rộng lớn, chứ không hề rời rạc, thiếu liên kết và bé nhỏ đến thế.

      Vì vậy, trong những bước đầu tiên, người thầy giáo, cô giáo ấy phải nâng tầm nhận thức để hiểu rằng, ngôn ngữ đã thực sự đi sâu và tham gia trực tiếp vào quá trình kiến tạo hình tượng nghệ thuật, đồng thời nhìn nhận được chiều sâu của ngôn ngữ - ngôn ngữ là yếu tố trọng yếu để làm nên nét đặc sắc và tính cách riêng cho phong cách sáng tác của người nghệ sĩ. “Nói như nhà thơ Lê Đạt: Mỗi người viết cần phải có một thứ ‘vân chữ” của riêng mình”. Trong đời, có hàng tỷ người với hàng tỷ vân tay không giống nhau, thì cũng giống như vậy, địa hạt văn chương cũng luôn tồn tại rất nhiều vân chữ với đủ hình thù, màu sắc và tính cách. Điều mà ta cần làm là đi tìm vân chữ của riêng ta và phát hiện, học hỏi và trân trọng vân chữ của người khác.

PGS.TS. Ngô Văn Giá chụp ảnh lưu niệm với BTC Hội thảo

      PV: Xin cảm ơn những chia sẻ quý giá của PGS.TS. Ngô Văn Giá! Chúc thầy thật nhiều sức khỏe, niềm vui và ngày càng có nhiều nghiên cứu, sáng tác hay cống hiến cho sự nghiệp văn nghệ và học thuật của nước nhà.

 

Hà Duy - Hạnh Phúc

Lớp Văn học (Văn học - Báo chí, truyền thông) K06, Trường Đại học Khánh Hòa

 
Khoa Khoa học XH&NV