Buổi chiều vào lúc 13h30 ngày 05/11/2024, chương trình định hướng nghề nghiệp năm học 2024 - 2025 đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của tập thể sinh viên K9 chuyên ngành Văn hóa học (Văn hóa - Truyền thông) và giảng viên Th.S Vũ Thị Hạnh cùng sự đồng hành của thuyết minh viên Nguyễn Thị Hằng Phương. Chương trình được tổ chức tại Tháp Bà Ponagar, Nha Trang, nhằm giúp các bạn sinh viên có cơ hội hiểu rõ hơn về các di sản văn hóa. Đồng thời hình thành và rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ trong vai trò người làm công tác bảo tồn và truyền bá di sản văn hóa.
Hình 1: Tập thể sinh viên Văn hóa học (Văn hóa – Truyền thông) K9 tham quan thực tế tại khu di tích Tháp Bà Ponagar.
Chương trình mở đầu với sự dẫn dắt nhiệt tình và giọng nói truyền cảm của thuyết minh viên Hằng Phương, chị là người hỗ trợ các bạn sinh viên hiểu rõ hơn về lịch sử hình thành cũng như những sự tích liên quan tại các khu vực chính của Tháp Bà và tìm hiểu về giá trị văn hóa nơi đây.
Hình 2: Chị Hằng Phương – thuyết minh viên tại Tháp Bà Ponagar đồng hành cùng đoàn trong chuyến tham quan.
Buổi tham quan bắt đầu từ khu vực Mandapa, nơi người Chăm thực hiện các nghi lễ linh thiêng. Tại đây, vào lúc 13h45, đoàn tiếp tục di chuyển lên khu vực thờ cúng chính để nghe chị Phương thuyết minh về các đền thờ quan trọng khác. Với kinh nghiệm 16 năm, chị Phương đã kể về ngôi thờ lớn nhất và quan trọng nhất cùng các đền nhỏ xung quanh, nơi thờ các vị thần bảo hộ cho người Chăm. Các bạn sinh viên đã được biết đến hình ảnh Bà Mẹ xứ sở Ponagar, một biểu tượng đặc biệt trong văn hóa Chăm Pa, cùng việc tôn thờ thần Shiva và ba tầng văn hóa: Ấn Độ giáo, Chăm Pa và tín ngưỡng thờ Mẫu. Ngoài ra, những truyền thuyết và câu chuyện về kiến trúc độc đáo với hệ thống thoát nước tự động cùng các chi tiết trùng tu cũng được chia sẻ để các sinh viên hiểu thêm về giá trị bền vững của di tích.
Hình 3: Tập thể sinh viên Văn hóa học K9 đang hăng say lắng nghe thuyết minh về di tích Tháp Bà Ponagar.
Buổi tham quan tiếp tục với hoạt động dâng lễ nhằm giúp các bạn cảm nhận sâu sắc hơn về văn hóa tín ngưỡng và bày tỏ sự tôn kính với tổ tiên người Chăm tại tháp Đông Bắc.
Hình 4: Giảng viên cùng các sinh viên Văn hóa học K9 thực hiện nghi thức dâng lễ với sự thành kính.
Sau đó, để bước đầu hình thành và rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ, hai bạn sinh viên Trâm Anh và Bích Thùy của lớp Văn hóa học K9 đã có cơ hội trải nghiệm vai trò thuyết minh viên. Đứng trước các bạn cùng lớp, hai bạn đã tự tin thuyết minh về các mô hình của Tháp Bà Ponagar, nhận được sự cổ vũ nhiệt tình và những tràng pháo tay từ mọi người cũng như là lời nhận xét, góp ý tận tâm của chị Hằng Phương – một thuyết minh viên lành nghề. Đây là cơ hội đầu tiên để các sinh viên tập dượt kỹ năng thuyết minh di sản, một nghiệp vụ quan trọng trong ngành học của mình.
Hình 5: Sinh viên Trâm Anh (VHH K9) đang thực hành trải nghiệm làm thuyết minh viên.
Hình 6: Sinh viên Bích Thùy (VHH K9) đang thực hành trải nghiệm làm thuyết minh viên.
Chương trình càng thêm phong phú khi tập thể sinh viên được xem biểu diễn múa Chăm truyền thống. Các điệu múa linh thiêng do các nghệ sĩ biểu diễn trong khung cảnh trang trọng đã mang đến sự hào hứng cho các sinh viên, giúp các bạn cảm nhận được nét độc đáo của văn hóa Chăm. Sau màn biểu diễn, chị Phương đã giải thích về bộ ba nhạc cụ chủ đạo của múa Chăm, gồm trống paranung, kèn saranai và trống ginang, để các bạn hiểu thêm về nét đặc trưng của văn hóa âm nhạc Chăm Pa.
Hình 7: Sinh viên Văn hóa học K9 chăm chú, hăng say thưởng thức tiết mục múa Chăm độc đáo tại Tháp Bà Ponagar.
Điểm đặc biệt góp phần tăng sự thích thú cho chuyến tham quan thực tế là các sinh viên đã được tham gia vào tiết mục giao lưu múa Chăm. Dưới sự hướng dẫn của các nghệ sĩ từ Ninh Thuận, ba bạn nam đã học cách đánh trống và thổi kèn, trong khi năm bạn nữ tập các động tác múa. Buổi giao lưu không chỉ mang lại tiếng cười mà còn giúp các bạn sinh viên tự tin và hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa của người Chăm.
Hình 8: Các nghệ nhân đang tận tình hướng dẫn sinh viên cách sử dụng nhạc cụ Chăm và múa Chăm.
Hình 9: Sinh viên VHH K9 trình diễn tiết mục múa Chăm sau khi được chỉ dẫn tận tình từ các nghệ nhân chuyên nghiệp.
Không chỉ dừng lại ở đó, đoàn đã theo chân chị Phương để khám phá thêm về làng nghề gốm và dệt, cùng nghệ thuật thư pháp đặc sắc của người Chăm. Thông qua những hiện vật và chia sẻ từ hướng dẫn viên, các bạn sinh viên đã hiểu thêm về sự kỳ công và tinh tế trong từng sản phẩm thủ công truyền thống.
Đến cuối, chương trình được hoàn thiện với phần giao lưu, học hỏi, là lúc sinh viên đưa ra những câu hỏi thú vị về bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, cũng như định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực văn hóa và truyền thông. Chị Phương đã nhiệt tình giải đáp và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong công tác bảo tồn di sản, điều này không chỉ cung cấp kiến thức chuyên môn mà còn mở ra những hướng đi nghề nghiệp cho sinh viên ngành Văn hóa học.
Hình 10: Sinh viên Văn hóa học K9 giao lưu và đặt câu hỏi với thuyết minh viên.
Chương trình định hướng nghề nghiệp năm học 2024 - 2025 không chỉ mang lại kiến thức bổ ích mà còn khơi dậy niềm yêu thích và tinh thần trách nhiệm với công tác bảo tồn văn hóa của các sinh viên Văn hóa học. Qua chuyến tham quan thực tế, sinh viên không chỉ được học hỏi mà còn trải nghiệm và rèn luyện những kỹ năng nghiệp vụ cần thiết, giúp các sinh viên định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn, từ đó thúc đẩy niềm đam mê và động lực phấn đấu trong hành trình học tập của mình.
Hình 11: Tập thể sinh viên Văn hóa học K9 trong chuyến tham quan thực tế tại Tháp Bà Ponagar.