ThS. Nguyễn Thị Kim Hằng
Tóm tắt:
Đồng chí Nguyễn Thị Thập là người Mẹ Việt Nam anh hùng, là cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, là người chiến sĩ cách mạng kiên trung đầu tiên của Nam Bộ được Đảng, Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý Huân chương Sao Vàng. Trên cơ sở phân tích giá trị cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Thị Thập, bài viết khẳng định xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới: có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe và có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội, đất nước cần gắn liền với việc học tập và làm theo tấm gương đồng chí Nguyễn Thị Thập. Cụ thể, cần nghiên cứu, làm sáng tỏ tấm gương đồng chí Nguyễn Thị Thập về sự chủ động tích cực học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức, đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, phát triển phụ nữ Việt Nam; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng tấm gương đồng chí Nguyễn Thị Thập đến các tầng lớp nhân dân, nhất là phụ nữ qua các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các hoạt động học tập và làm theo tấm gương đồng chí Nguyễn Thị Thập trong nhà trường, cơ quan đơn vị, đoàn thể xã hội với nhiều hình thức đa dạng; tổng kết, rút kinh nghiệm, tuyên dương những cá nhân, tập thể điển hình.
Từ khóa: Nguyễn Thị Thập, phụ nữ, học tập, tấm gương.
1. Mở đầu
Phụ nữ Việt Nam với truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” đã và đang góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Bác Hồ đã từng khen ngợi: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ” [7, tr. 340]. Nhận thức được vai trò quan trọng của phụ nữ, Chỉ thị số 21 - CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới đã xác định nhiệm vụ “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao”. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định sự cần thiết “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế” [5, tr. 169].
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027 đã phát động và triển khai phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” đến cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước, hướng tới xây dựng hình ảnh và phẩm chất người phụ nữ Việt Nam thời đại mới với bốn tiêu chí: có tri thức; có đạo đức; có sức khỏe; có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.
Để thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” có hiệu quả, cần tuyên truyền về tấm gương điển hình, tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cho phụ nữ. Trong đó, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Thị Thập - người Mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, người chiến sĩ cách mạng kiên trung đầu tiên của Nam Bộ được Đảng, Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý Huân chương Sao Vàng là tấm gương sáng ngời để phụ nữ Việt Nam học tập và noi theo.
2. Nội dung
2.1. Đồng chí Nguyễn Thị Thập - tấm gương người phụ nữ Việt Nam thời đại mới
Đồng chí Nguyễn Thị Thập (1908 – 1996) tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Long Hưng, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Dù hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện để học hành nhiều nhưng đồng chí rất say mê đọc sách. Tri thức từ sách vở đã hun đúc cho đồng chí niềm mơ ước được thoát khỏi cuộc sống chật hẹp, còn nhiều bất công mà những người phụ nữ thời đó phải cam chịu.
Kế thừa truyền thống yêu nước của quê hương, đồng chí giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Năm 1929, đồng chí tham gia hoạt động Nông hội đỏ ở xã Long Hưng, tỉnh Mỹ Tho, thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin liên lạc. Năm 1931, đồng chí được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đó đồng chí lấy bí danh là Mười Thập hay Nguyễn Thị Thập. Ý thức được trách nhiệm của người cộng sản đối với đồng bào và Tổ quốc, ngoài việc hoàn thành các hoạt động được Đảng phân công, đồng chí luôn chăm chỉ học tập, đọc sách báo tiến bộ, nghiên cứu các chỉ thị, nghị quyết để hiểu rõ đường lối chủ trương của Đảng, đồng thời tự rèn luyện ý chí cách mạng, thường xuyên luyện tập để có sức làm việc dẻo dai, vượt mọi khó khăn, gian khổ, phục vụ lâu dài cho cách mạng. Đồng chí đã trở thành một tấm gương về tự học và học tập suốt đời. Liên tục từ khóa I đến khóa VI, đồng chí Nguyễn Thị Thập được bầu vào Quốc hội và giữ chức vụ Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội từ khóa III đến khóa VI, đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa II đến khóa IV. Ở bất cứ cương vị nào, đồng chí đều có ý thức nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn phù hợp để hoàn thành công việc chất lượng, hiệu quả.
Không chỉ chủ động, tích cực học tập nâng cao kiến thức và kỹ năng cho bản thân, đồng chí còn lan tỏa tinh thần học tập đến những người xung quanh. Trong quá trình thực hiện phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”, đồng chí đã đi thăm nhiều địa phương ở miền Bắc. Đi đến đâu, đồng chí cũng động viên chị em tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất lương thực, chăn nuôi nhưng cũng không quên nhắc nhở chị em chú ý học tập, nâng cao trình độ và làm tốt nhiệm vụ làm mẹ, “nuôi con khỏe, dạy con ngoan” [1, tr. 37].
Đồng chí Nguyễn Thị Thập là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng. Tháng 4/1935, đồng chí được bầu làm Xứ ủy viên dự khuyết Đảng bộ Nam kỳ. Sau đó, đồng chí bị địch bắt do mật thám cài người vào nội bộ phá hoại tổ chức. Dù bị kết án 5 năm tù, chịu đựng mọi nhục hình tra tấn, đồng chí vẫn kiên định con đường cách mạng. Ra tù, đồng chí trở về quê hương tiếp tục hoạt động. Năm 1940, đồng chí Mười Thập tham gia Ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tại tỉnh Mỹ Tho. Khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra khi đã gần ngày sinh nhưng đồng chí vẫn lấy khăn rằn nịt bụng, xông xáo chỉ huy như thời con gái. Khởi nghĩa thất bại, chồng bị xử tử hình. Trong lúc ấy đồng chí phải cải trang, nhờ nữ đồng chí Tám Thẩm mạo hiểm vượt sông, về Bến Tre, lẩn tránh mật thám sinh con. Con mới được 8 ngày, đồng chí nhận được tin chồng hy sinh. Nuốt nước mắt, đồng chí đành nhờ Tám Thẩm bồng con, gửi cho bên chồng nuôi dưỡng. Đồng chí tiếp tục thay tên đổi họ, cải trang lẩn tránh kẻ thù và làm thuê, lênh đênh trên những con thuyền mua bán đủ thứ để kiếm sống và tìm đường dây nối lại tổ chức.
Năm 1945, đồng chí tham gia lãnh đạo nhân dân giành chính quyền tại tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) và năm 1946, đồng chí trúng cử đại biểu Quốc hội tại Mỹ Tho, là nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên của tỉnh Tiền Giang và cũng là một trong 10 nữ đại biểu đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cuối năm 1946, kháng chiến nổ ra trên phạm vi toàn quốc, đồng chí được phân công trở về miền Nam với nhiệm vụ đặc biệt là xây dựng và củng cố Đảng bộ Nam Bộ ngày càng vững mạnh. Năm 1947, đồng chí được cử làm Đoàn trưởng Đoàn Phụ nữ Cứu quốc Nam Bộ, rồi Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Nam Bộ. Năm 1953, Trung ương điều động đồng chí ra công tác tại chiến khu Việt Bắc. Sau khi Hiệp định Genève năm 1954 được ký kết, đồng chí được cử vào miền Nam để phổ biến việc thi hành Hiệp định đình chiến. Đồng chí Nguyễn Thị Thập tập kết ra miền Bắc vào cuối năm 1954, từ năm 1956 đến năm 1974 đồng chí giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Bất kỳ ở đâu, giữa những người nông dân nghèo khó, những công nhân lam lũ, hay giữa tầng lớp trí thức, đồng chí luôn hòa mình cùng với quần chúng, học hỏi và tổ chức, động viên quần chúng tham gia cách mạng. Với tinh thần trách nhiệm rất cao, đồng chí sẵn sàng vượt mọi khó khăn trở ngại, toàn tâm toàn ý phục vụ cho sự nghiệp chung [1, tr. 52]. Đồng chí luôn giữ nghiêm chế độ sinh hoạt và kỷ luật của Đảng, bảo vệ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; thực hiện tự phê bình và phê bình thường xuyên, nghiêm túc để làm trong sạch tổ chức Đảng và đảng viên, bằng uy tín, đạo đức, lối sống để giữ vai trò tiên phong của người Đảng viên; không ngừng hoàn thiện về nhân cách để xứng đáng với niềm tin yêu của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Thị Thập luôn có ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước. Là người phụ nữ sống ở giai đoạn mà xã hội vẫn còn nhiều định kiến nhưng đồng chí đã dũng cảm chấm dứt cuộc hôn nhân không hạnh phúc để tìm kiếm tình yêu đích thực của đời mình. Mặc dù chồng và người con trai đầu đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí sẵn sàng cho người con trai còn lại duy nhất của mình tham gia đoàn quân vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Đồng chí đã can đảm chịu đựng nỗi đau thương của một Bà mẹ Việt Nam anh hùng: “Trong cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù tàn bạo và hung hãn nhất thế giới, toàn dân ta không có gia đình nào không ít nhiều gánh chịu mất mát, hy sinh để giữ lấy sống còn, giành lại độc lập, thống nhất Tổ quốc. Gia đình tôi trong cảnh ấy, lẽ nào tôi không đứng vững được trên vị trí công tác của mình” [9].
Trên cương vị là Chủ tịch Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thị Thập cùng với tập thể lãnh đạo đã bám sát thực tiễn hoạt động, lựa chọn đúng những vấn đề cốt lõi ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng phong trào phụ nữ để có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, giải quyết được các vấn đề cấp bách của phong trào phụ nữ như đổi mới phương thức chỉ đạo, cơ chế phối hợp, tổ chức bộ máy cấp Hội cơ sở, chất lượng đội ngũ cán bộ Hội (đặc biệt là cán bộ Hội cơ sở), tổ chức nhiều hoạt động, nhiều phong trào thi đua sôi nổi của phụ nữ thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, đặc biệt là phong trào phụ nữ “Năm tốt” và phong trào “Ba đảm đang”. Theo đồng chí Nguyễn Thị Thập, “Trong công tác vận động phụ nữ, việc giáo dục nâng cao trình độ chính trị và tư tưởng cho phụ nữ, làm cho phụ nữ thấy được quyền lợi, nhiệm vụ và phương hướng để ra sức phấn đấu vẫn là một nhiệm vụ quan trọng bậc nhất”. Đồng chí luôn có ý thức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và phụ nữ Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Thị Thập thường nói: “Áo dài là nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam, phải chú ý giữ gìn nét đẹp truyền thống đó”.
Nhận thấy cần phát huy vai trò, nâng cao vị thế của phụ nữ, đồng chí đã tham mưu với Đảng và Nhà nước ban hành Luật Hôn nhân và Gia đình, kiến nghị và đề xuất cụ thể, thiết thực với Đảng và Nhà nước ban hành ba Nghị quyết về công tác phụ vận. Cụ thể: Nghị quyết số 152-NQ/TW ngày 10/1/1967 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số vấn đề về tổ chức, lãnh đạo công tác phụ vận đã phân tích những thiếu sót trong công tác phụ vận và chỉ ra những nhiệm vụ cấp bách về: tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục người phụ nữ mới, động viên hơn nữa phụ nữ đẩy mạnh sản xuất, bảo vệ sản xuất, phục vụ đời sống, phục vụ chiến đấu; tăng cường bảo vệ sức khoẻ phụ nữ, trẻ em. Nghị quyết số 153-NQ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ nữ ban hành cùng ngày đã khẳng định vị trí, tầm quan trọng và nhiệm vụ của công tác cán bộ nữ, nhấn mạnh sự cần thiết đánh giá đúng đắn cán bộ nữ, kiên quyết và mạnh bạo sử dụng, đề bạt cán bộ nữ, kiên trì đấu tranh chống tư tưởng phong kiến, hẹp hòi trong việc đề bạt, sử dụng cán bộ nữ, ra sức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, kịp thời đáp ứng yêu cầu về mở rộng và nâng cao đội ngũ cán bộ. Nghị quyết số 31-CP ngày 08/3/1967 của Hội đồng Chính phủ về việc tăng cường lực lượng lao động phụ nữ trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước đã quy định những nguyên tắc, chế độ đối với lao động phụ nữ, bảo đảm thực hiện đường lối giải phóng phụ nữ, thi hành quyền nam nữ bình đẳng.
Sau khi nghỉ hưu, năm 1982 đồng chí Nguyễn Thị Thập cùng 12 cán bộ nữ lão thành cách mạng hình thành nên Tổ Sử phụ nữ Nam Bộ với nhiệm vụ tổng kết phong trào đấu tranh cách mạng của phụ nữ Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến và sưu tầm hiện vật để bảo quản, giới thiệu cho các thế hệ mai sau về vai trò và những đóng góp của phụ nữ. Tổ Sử phụ nữ Nam Bộ đã cho ra đời cuốn sách “Phụ nữ Nam Bộ thành đồng” và khánh thành Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ vào năm 1985, tiền thân của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ngày nay. Đây là niềm tự hào và vinh dự chung của giới nữ. Năm 1985, đồng chí Nguyễn Thị Thập là người phụ nữ đầu tiên được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng – Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam.
Cả cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Thị Thập đã thể hiện tinh thần hy sinh vì Đảng, vì dân, không sợ gian khổ, tù đày, khó khăn, nguy hiểm. Gần 60 năm tham gia hoạt động cách mạng, được giao nhiều trọng trách quan trọng, đồng chí Nguyễn Thị Thập luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Đồng chí đã có công lao to lớn trong việc phát huy vai trò của phụ nữ và thực hiện nam nữ bình đẳng, góp phần vào sự nghiệp giải phóng phụ nữ.
2.2. Các giải pháp học tập và làm theo tấm gương đồng chí Nguyễn Thị Thập
Trong phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, trách nhiệm công dân cho phụ nữ đóng vai trò quan trọng. Tấm gương đồng chí Nguyễn Thị Thập cần được lan tỏa để các thế hệ phụ nữ Việt Nam tự hào và phấn đấu học tập, nỗ lực vượt khó khăn, cống hiến tài năng, công sức vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước. Chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp học tập và làm theo tấm gương đồng chí Nguyễn Thị Thập như sau:
Thứ nhất là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng tấm gương đồng chí Nguyễn Thị Thập đến các tầng lớp nhân dân, nhất là phụ nữ qua các phương tiện thông tin đại chúng: báo, đài phát thanh và truyền hình, website, trang fanpage... Các trang thông tin điện tử, đài phát thanh và truyền hình các cấp cần chủ động xây dựng chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng phát sóng, cung cấp thông tin tư liệu về tấm gương của đồng chí Nguyễn Thị Thập gắn với tuyên truyền về các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, của địa phương. Bên cạnh đó, cần tích cực đẩy mạnh sáng tác, quảng bá các tác phẩm về đồng chí Nguyễn Thị Thập. Công tác tuyên truyền cần gắn với những câu chuyện, tiểu phẩm để tạo ấn tượng cho chị em phụ nữ học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên. Ví dụ như câu chuyện lúc đầu đồng chí Nguyễn Thị Thập không biết chữ nên khi ký chỉ đánh dấu + (chữ thập) nhưng đồng chí đã nỗ lực học tập, công tác, trở thành cán bộ cách mạng, một trong mười nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên, là Phó Chủ tịch Quốc hội, Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam [6]. Hay câu chuyện về tinh thần trách nhiệm của đồng chí và tình cảm của nhân dân đối với đồng chí:
Thế chiến II bùng nổ, phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương, Pháp đầu hàng, nhân dân ta một cổ hai tròng đã cực khổ lại càng trở nên cùng cực khiến các tầng lớp nhân dân ta càng sục sôi căm thù, phong trào đấu tranh lan rộng khắp các tỉnh Nam Bộ. Chính quyền thực dân thẳng tay đàn áp, mùa hè năm 1940, lính Pháp kéo vào Long Hưng bắt đi biệt xứ một loạt đảng viên, trong đó có Tám Cảnh và đồng chí Giác, khi ấy Mười Thập đang mang thai đứa con trai đầu lòng. Không bao lâu sau, Mười Thập đang làm nhiệm vụ ghi chép, thống kê số tiền vừa quyên góp để mua vũ khí, thì tên Rôbe Trần Chánh, một tên cò mật thám khét tiếng tàn ác, cùng đồng bọn ập tới bắt đưa đi.
Không sợ chết, Mười Thập chỉ lo những giấy tờ bí mật và cả một số tiền lớn vẫn còn nằm nguyên trong túi, chưa kịp thủ tiêu. Đang mông lung suy tính, thì may quá gặp một em gái cùng lối xóm, trạc 15-16 tuổi, Mười Thập bảo em: “Cháu nè, cô bị bắt rồi, cháu ở lại mạnh giỏi nghe!”. Qua em gái đó, Mười Thập có ý báo cho làng xóm biết tin mình đã bị bắt để những người dính dáng đến giấy tờ kịp thời lẩn tránh.
Một lúc sau, xảy ra tình huống hết sức bất ngờ: Trên đường dẫn Mười Thập ra ôtô để đưa về bốt Mỹ Tho, hàng trăm nông dân tay gậy, tay giáo mác xông tới, đồng thanh hô lớn: “Phải bắt lấy tên Trần Chánh!”. Cả bọn nhốn nháo, không kịp đối phó, chạy thục mạng về phía ôtô. Mười Thập cùng tài liệu được cứu thoát [4].
Cuộc đời đồng chí Nguyễn Thị Thập là huyền thoại sống về một nhà lãnh đạo xuất sắc, tiêu biểu của phụ nữ, một trong số những người con ưu tú nhất của Nam Bộ thành đồng Tổ quốc. Những đóng góp của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam và phong trào đấu tranh cách mạng của phụ nữ Nam Bộ. Tên đồng chí đã được đặt cho các đường phố ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Mỹ Tho và một số thành phố khác.
Thứ hai là tổ chức các hoạt động học tập và làm theo tấm gương đồng chí Nguyễn Thị Thập trong nhà trường, cơ quan đơn vị, đoàn thể xã hội với nhiều hình thức đa dạng như báo cáo chuyên đề, tham quan nhà lưu niệm, tổ chức hội thảo, hội thi… Tùy theo điều kiện cụ thể, các báo cáo chuyên đề về đồng chí Nguyễn Thị Thập với sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thị Thập với sự nghiệp đấu tranh vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam… có thể được tổ chức định kì hàng năm, hàng quý. Trong các nhà trường, giáo viên lồng ghép có hiệu quả tấm gương đồng chí vào các nội dung giáo dục tư tưởng đạo đức cách mạng, truyền thống yêu quê hương đất nước, những giá trị cao đẹp và truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam. Các hoạt động tham quan nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Thị Thập tại Đình Long Hưng, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, triển lãm hình ảnh về hoạt động cách mạng, quê hương, gia đình của đồng chí Nguyễn Thị Thập cần được tiến hành thường xuyên hơn, đặc biệt cho phụ nữ và giới trẻ.
Trong những năm qua, công tác tổ chức hội thảo, hội thi, xuất bản sách về đồng chí Nguyễn Thị Thập đã được quan tâm thể hiện qua các sự kiện như năm 2008, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Thị Thập, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ in ấn và phát hành cuốn sách “Nguyễn Thị Thập - Cuộc đời và sự nghiệp”, thực hiện trưng bày chuyên đề: “Nguyễn Thị Thập - cuộc đời và sự nghiệp”, hội thi “Cảm nhận của bạn qua tác phẩm Nguyễn Thị Thập - cuộc đời và sự nghiệp”, Hội thảo “Đồng chí Nguyễn Thị Thập – cuộc đời và sự nghiệp” do Tỉnh ủy Tiền Giang và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức năm 2016, Hội thi tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của Mẹ Việt Nam anh hùng, cố Chủ tịch Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thập năm 2023… Tuy nhiên, số lượng hoạt động còn chưa nhiều, cần được tiếp tục mở rộng để khắc sâu hình ảnh đồng chí Nguyễn Thị Thập, người lãnh đạo Hội Phụ nữ xuất sắc, người đại biểu của nhân dân, người chiến sĩ cách mạng kiên trung đầu tiên của Nam Bộ được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng cao cả. Từ đó, mỗi chị em phụ nữ có thêm sức mạnh và niềm tin để không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên, phát huy trí tuệ, tài năng sáng tạo, góp sức xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Thứ ba là tổng kết, rút kinh nghiệm, tuyên dương những cá nhân, tập thể điển hình trong việc học tập, làm theo tấm gương đồng chí Nguyễn Thị Thập, xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Kinh nghiệm thực hiện các phong trào thi đua, học tập cho thấy sự cần thiết của việc phát huy vai trò của các cấp lãnh đạo. Sự quan tâm tích cực của những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội trong học tập và làm theo đồng chí Nguyễn Thị Thập có sức lan tỏa lớn tác động trực tiếp đến nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, phụ nữ và giới trẻ. Bên cạnh đó, cần xác định nội dung trọng tâm phù hợp, thiết thực nhằm tạo kết quả trong học tập và làm theo tấm gương đồng chí Nguyễn Thị Thập. Ví dụ như đối với cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đó là những nội dung học tập về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ để liên hệ, giáo dục, động viên và tổ chức quần chúng phụ nữ trên mọi mặt công tác, phát huy năng lực dồi dào của phụ nữ trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với nữ viên chức công tác trong ngành giáo dục, là sự chủ động, tích cực học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng cho bản thân và lan tỏa tinh thần học tập đến những người xung quanh, thực hiện tốt quy định về đạo đức nhà giáo, rèn luyện sức khỏe tốt cả về thể chất và tinh thần, tự trọng, tự tin, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, xây dựng cộng đồng dân cư và tập thể nơi làm việc văn minh, phát triển; tham gia phòng, chống tham nhũng và đấu tranh, ngăn chặn những hành vi tiêu cực trong xã hội; có tinh thần chia sẻ, giúp đỡ những người xung quanh.
Khi tổ chức học tập và làm theo tấm gương đồng chí Nguyễn Thị Thập gắn với xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, phương pháp, chú trọng công tác tuyền truyền, đẩy mạnh tính tự giác học tập và tu dưỡng, rèn luyện trong từng công việc cụ thể hằng ngày tại cơ quan, đơn vị cũng như sinh hoạt tại địa phương, gia đình. Việc bình xét, biểu dương và ghi danh những cá nhân, tập thể học tập, làm theo tấm gương đồng chí Nguyễn Thị Thập cần được thường xuyên, kịp thời để biểu dương, ghi nhận và động viên những chị em phụ nữ có thành tích trong học tập, nghiên cứu khoa học, trong sản xuất… nhằm tạo sự phấn khởi và động lực phấn đấu, cống hiến hơn nữa.
3. Kết luận
Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Thị Thập là tấm gương sáng cho các thế hệ học tập và noi theo. Phụ nữ Việt Nam mãi mãi ghi nhớ, tự hào về đồng chí, nguyện phấn đấu không ngừng, thực hiện thành công hoài bão và lý tưởng của đồng chí về xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh hạnh phúc, về phát huy vai trò, năng lực của phụ nữ, nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi mặt đời sống xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (2016), Nguyễn Thị Thập - Người con ưu tú của Nam bộ thành đồng, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
2. Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết số 152-NQ/TW ngày 10 tháng 1 năm 1967 về một số vấn đề về tổ chức, lãnh đạo công tác phụ vận, http://www.congdoan.vn/tra-cuu-van-ban/chi-tiet-1885.tld, Truy cập ngày 07.8.2023.
3. Ban Bí thư Trung ương Đảng (1967), Nghị quyết số 153-NQ/TW ngày 10 tháng 1 năm 1967 về công tác cán bộ nữ, https://dangcongsan.vn/doi-moi-can-ban-va-toan-dien-giao-duc-dao-tao/duong-loi-chinh-sach/nghi-quyet-cua-ban-bi-thu-khoa-iii-ve-cong-tac-can-bo-nu-347253.html, Truy cập ngày 07.8.2023.
4. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (2009), Nguyễn Thị Thập - Người con ưu tú của Nam Bộ thành đồng, https://cand.com.vn/van-hoa/Nguyen-Thi-Thap-Nguoi-con-uu-tu-cua-Nam-Bo-thanh-dong-i138731/, Truy cập ngày 06.8.2023.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
6. Trương Mỹ Hoa, Những kỷ niệm về bà Nguyễn Thị Thập, http://baoapbac.vn/chinh-tri/201603/nhung-ky-niem-ve-ba-nguyen-thi-thap-665820/, Truy cập ngày 12.8.2023.
7. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
8. Hội đồng Chính phủ, Nghị quyết số 31-CP ngày 8 tháng 3 năm 1967 về việc tăng cường lực lượng lao động phụ nữ trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Nghi-quyet-31-CP-tang-cuong-luc-luong-lao-dong-phu-nu-trong-cac-co-quan-xi-nghiep-Nha-nuoc-18203.aspx, Truy cập ngày 07.8.2023.
9. Phụ nữ Việt Nam, Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh bà Nguyễn Thị Thập (1908 - 2023): Cánh chim khao khát tự do, https://vwu.vn/web/guest/tin-chi-tiet, Truy cập ngày 10.8.2023.
10. Nguyễn Thị Thập (1960), Con đường giải phóng của phụ nữ Việt Nam, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội.
(Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia "Cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Nguyễn Thị Thập", do Tỉnh ủy Tiền Giang, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Học viện Chính trị Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cùng phố hợp tổ chức vào tháng 10/2023)