Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Sư phạm ❯ Chi tiết
       
  08/04/2019 09:27        

Sinh viên lớp Sư phạm Ngữ văn K2 và chuyến thực tế bộ môn đầy ý nghĩa

Thực tế bộ môn là một hoạt động thường niên của các lớp thuộc Khoa Sư phạm Trường Đại học Khánh Hòa. Sinh viên từ năm thứ 2 được đi thực tế tại các vùng miền, đến các danh lam thắng cảnh lớn trong cả nước để học tập, trải nghiệm và viết thu hoạch. Tiếp nối các hoạt động của Khoa Sư phạm, từ 23/3 đến 29/3/2019 lớp Sư phạm Ngữ văn K2 đã thực hiện chuyến đi đến các tỉnh thành của miền Trung như Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế.



Hình 1. Tập thể lớp tham quan kinh thành Huế


Tập thể lớp Sư phạm Ngữ văn K2 hệ Đại học gồm 40 sinh viên cùng với Thầy Nguyễn Thanh Huy – Giảng viên khoa Sư phạm đã đến tham quan những di tích, danh thắng ý nghĩa, mang đậm dấu ấn thi ca trong lịch sử văn chương đất nước cũng như văn hoá dân tộc. Địa danh nào cũng mang lại nhiều dấu ấn khó quên. Đặc biệt chuyến thăm đến Trại phong Quy Hòa - nơi nhà thơ Hàn Mặc Tử đã sống phần đời còn lại để rồi trút hơi thở cuối cùng đi vào cõi vĩnh hằng để lại nhiều cung bậc cảm xúc cho sinh viên Ngữ văn. Cảm xúc lắng đọng, bồi hồi càng tăng lên khi cả lớp bước vào căn phòng tưởng niệm nhà thơ. Không gian thật đơn sơ với một bộ bàn ghế, trang thờ, chiếc giường nhỏ ọp ẹp và manh chiếu cũ; đặc biệt hơn là những tập thơ và bút tích để lại. So với tài năng, tầm vóc của ông thì những gì còn lại nơi đây thật sự nhỏ bé và ít ỏi. Cảnh vật, âm thanh, mọi thứ đều mang một màu ảm đạm. Cũng chính vì vậy mà chúng tôi càng khâm phục tài năng, nghị lực của Thi sĩ và đặc biệt thấu cảm tận cùng với nỗi đau thương của nhà thơ trong những vần thơ điên, trong những niềm khao khát cái tột cùng. Tập thể lớp còn tìm được sự đồng cảm, sẻ chia, thấu hiểu khi đến thăm ngôi làng của những người bệnh phong, được chiêm ngưỡng những ngôi nhà thiết kế theo phong cách kiến trúc châu Âu kết hợp với kiểu nhà thường thấy ở Việt Nam dần nhuốm màu rêu phong của thời gian đã trải qua hơn nửa thế kỷ. Thấu hiểu nỗi cô đơn của những người bệnh khi trước đây bị cách li, bị biệt lập với cuộc sống bình dị thường ngày và thấy ấm áp khi hôm nay đã nhìn thấy những nụ cười và ánh mắt đầy sự lạc quan nơi họ. Nhìn họ, có lẽ những ai thấu hiểu sẽ càng thêm yêu quý cuộc sống của mình hơn. Nhìn những gương mặt hôm nay để cảm thấu sâu sắc hơn nỗi đau hôm qua mà chàng thi sĩ Hàn Mặc Tử đã gánh chịu. Chắc rằng khi mang bệnh, chàng trai trẻ ấy chỉ biết làm bạn với thơ, gửi tâm sự vào thơ để rồi những vần thơ đầy đau đớn, khắc khoải cứ vang vọng mãi và mỗi khi ngân lên ai cũng thấy lòng mình như đau thắt:
“Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt
Như mê man chết điếng cả làn da
Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết
Trải niềm đau trên trang giấy mong manh”



Hình 2. Thăm Chùa Thiên mụ (Huế)


Rời Quy Nhơn, tập thể lớp Sư phạm Ngữ văn K2 đã đến xứ Huế mộng mơ với con sông Hương hiền hoà thơ mộng. Sự thanh bình và yên ả nơi đây đã khiến “Sông Hương muôn đời vẫn đẹp” và làm tâm hồn con người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản khi hòa vào cảnh vật và không khí trên bờ sông Hương. Mặt nước yên lặng, trong xanh, làn gió thổi nhẹ gợn sóng lăn tăn, những chiếc thuyền nhẹ trôi trên mặt hồ càng khiến dòng sông trở nên thi vị:
"Sông Hương nước chảy lững lờ
Đôi bờ rủ bóng mộng mơ ảo huyền
Xuôi dòng ngắm cảnh du thuyền
Ta như lạc cõi thần tiên phiêu bồng”

Những hình ảnh đẹp và ý nghĩa khi hiện ra trong những giây phút hiếm có của cuộc đời sẽ được chúng tôi trân trọng và khắc ghi vì đó sẽ là động lực để tạo ra cơ hội được khám phá nhiều lần hơn nữa. Có thế nói đây là một chuyến đi đầy ý nghĩa, được thấy nhiều điều mới mẻ và học được nhiều bài học đáng quý. Đặc biệt là những phút giây cùng nhau học hỏi, chia sẻ để hiểu hơn về ẩm thực, văn hóa của mỗi vùng đất được đặt chân đến, để từ đó thêm yêu đời, yêu đất nước và con người Việt Nam. Qua kỳ trải nghiệm này, chúng tôi mong muốn rằng một ngày nào đó có thể đi trên một hành trình khác dài hơn để có nhiều thời gian chiêm nghiệm và cảm nhận sâu hơn nữa, những gì học được sẽ luôn là hành trang bổ ích và ý nghĩa cho nghề đưa đò và cuộc sống mai sau. 



Hình 3. Dừng chân trải nghiệm tại Đà Nẵng


Với ý nghĩa “đi để trở về”, chuyến thực tế bộ môn đã giúp sinh viên lớp Đại học Sư phạm ngữ văn K2 tạo lập được những hành trang vô giá, những kí ức không thể nào quên, những tình cảm lắng đọng, đặc biệt là sự đoàn kết gắn bó và thấu hiểu nhau trong tập thể lớp dưới mái trường mang tên Đại học Khánh Hòa.


SV Nguyễn Thị Cẩm Vân - Lớp ĐHSP Ngữ Văn K2

 
Khoa Sư phạm