Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
       
  29/04/2023 22:24        

ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN NĂM 1975 NỀN TẢNG ĐỘC LẬP ĐỂ HỘI NHẬP THÀNH CÔNG

Tóm tắt

          Ngày 30/4/1975 là ngày lịch sử trọng đại của toàn dân tộc Việt Nam. Đó là ngày toàn thể dân tộc Việt Nam giành được thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thắng lợi này mở ra cơ hội cho việc nâng cao thế và lực của đất nước trên trường quốc tế. Xác định độc lập tự chủ là nền tảng để hội nhập, phát triển nhằm “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”[1]. Nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, Việt Nam luôn tích cực đổi mới trong việc giải quyết mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế, xem đó là nhiệm vụ sống còn của dân tộc, đối với việc khẳng định con đường phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Từ khóa: Độc lập, thống nhất, hội nhập quốc tế.

1. Dẫn nhập

           Đại thắng Mùa xuân năm 1975 đã ghi dấu ấn Việt Nam trên bản đồ thế giới về nghệ thuật chiến tranh, kết hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao. Ngay trong kháng chiến chống Mĩ, Việt Nam đã làm tốt nhiệm vụ đấu tranh ngoại giao, tranh thủ được sự ủng hộ của quốc tế đối với Việt Nam, gây sức ép buộc Mĩ phải chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, công nhận nền độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Khi đã hoàn thành nhiệm vụ thống nhất đất nước, điều quan trọng bậc nhất đối với Việt Nam là hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện chính sách đối ngoại với các nước trên thế giới. Và, nền tảng độc lập tự chủ vững chắc là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho sự thành công của chính sách đối ngoại và sau này là hội nhập quốc tế của Việt Nam.

2. Nội dung

2.1. Hội nhập quốc tế trên nền tảng độc lập dân tộc

           Nằm ở vị trí địa lý chiến lược quan trọng của khu vực Đông Nam Á, trải dài bên bờ Thái Bình Dương, nối liền với lục địa châu Á, là điểm nút trên con đường giao lưu văn hóa Đông - Tây, Nam - Bắc, tiếp liền  Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo, cư dân trên dải đất hình chữ S Việt Nam đã sớm xây dựng được một nền văn hóa bản địa đặc sắc và hình thành quốc gia dân tộc trên tinh thần tự lực tự cường. Vị trí đắc địa đã đem đến cho Việt Nam tiềm năng và cơ hội phát triển, nhưng cũng đặt Việt Nam trước nhiều nguy cơ, thử thách. Từ cuối thế kỷ III TCN, các thế hệ người Việt Nam đã tiến hành không biết bao nhiêu cuộc khởi nghĩa và kháng chiến chống ngoại xâm. Trong số đó, không ít cuộc chiến tranh giữ nước và chiến tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam được đánh dấu và kết thúc bằng những trận quyết chiến chiến lược. Đó là lúc ý chí độc lập, tự chủ, thông nhất và khát vọng hòa bình của dân tộc được hun đúc và phát huy cao độ, tập trung tất cả nỗ lực giành lấy thắng lợi có ý nghĩa quyết định về mặt quân sự, đánh bại ý chí xâm lược của các thế lực ngoại xâm, tạo nền tảng vững chắc để thiết lập quan hệ giao bang với các nước xung quanh.

          Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước (1954-1975), ý chí tự lực tự cường, tinh thần độc lập tự chủ đã được phát huy đến cao độ. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả để chiến thắng”, tất cả “vì độc lập, vì tự do”, nhân dân cả nước Việt Nam đã dốc sức cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Một khối lượng vật chất lớn chưa từng có đã được huy động với hơn “60.000 tấn vật chất các loại trong đó có 30.000 tấn đạn, 8.500 tấn xăng dầu, 21 tấn hàng quân nhu, 1.000 tấn thuốc quân y”[2]. Lần đầu tiên trong lịch sử xây dựng và chiến đấu, quân đội Việt Nam huy động số lượng lớn xe cơ giới, tiến hành cơ động gọn từng quân đoàn với toàn bộ binh khí kỹ thuật nặng vào chiến trường. 7.064 xe ô tô tập trung vận chuyển “3 quân đoàn bộ binh, binh chủng hợp thành, 47 đoàn binh khí kỹ thuật gồm 14.771 người, 156 xe tăng, 102 xe xích, 143 pháo mặt đất, 47 tên lửa, 250 pháo cao xạ, 226 xe cầu thuyền, 722 xe khí tài và 1.099 xe chiến đấu khác”[3] hành quân đường dài vào các khu vực tập kết bí mật, an toàn, đúng thời gian, tạo ưu thế tuyệt đối về so sánh lực lượng và thế tiến công áp đảo quân địch. Ngoài ra, 311 toa tàu xe lửa, 32 tàu biển của Tổng cục Hậu cần, Quân chủng Hải quân cũng được sử dụng hết công suất để vận chuyển lực lượng, vật chất, phương tiện kỹ thuật cho các chiến trường. Gần 4.000 tấn đạn hỏa lực, xe tăng, pháo tự hành và phương tiện kỹ thuật khác nhanh chóng được vận chuyển bằng đường biển và tham gia chiến dịch lịch sử[4].

          Bằng sức mạnh áp đảo về quân sự và chính trị, với các trận quyết chiến chiến lược chủ yếu (chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng, chiến dịch Hồ Chí Minh), với tinh thần “đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” như lời tuyên bố của vua Quang Trung, kế hoạch tổng tiến công chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm được thực hiện thắng lợi chỉ trong 55 ngày đêm. Chế độ thực dân kiểu mới được Mĩ cố sức xây dựng ở miền Nam hoàn toàn sụp đổ. Đại thắng Mùa xuân năm 1975 đã khẳng định được ý chí “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền tự do, độc lập”[5] của dân tộc Việt Nam.

          Như vậy, có thể nói, Đại thắng Mùa xuân năm 1975 đã trở thành nền tảng vững chắc, là bệ phóng để Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới, gắn liền với sức mạnh thống nhất và đoàn kết toàn dân tộc, khẳng định thế và lực của đất nước. Từ đây, Việt Nam có thể ngẩng cao đầu trong việc thiết lập mối quan hệ với các nước láng giềng và trên thế giới, không còn phải cam chịu ánh nhìn khinh miệt của các nước lớn từng xem Việt Nam là dân tộc hạ đẳng, nhược tiểu. Mặc dù sau khi thống nhất, Việt Nam phải chịu thế bị bao vây cấm vận, bị cô lập, phải tự tìm tòi lối đi phù hợp với hoàn cảnh của đất nước, đã vướng những sai lầm, vấp váp, nhưng với tinh thần độc lập tự chủ, với nền độc lập được bảo vệ vững chắc, Việt Nam đã từng bước thay đổi cách tư duy, tìm ra lối đi mới cho dân tộc, lối đi hòa nhập với khu vực và cộng đồng quốc tế.

           Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) đã định ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có đổi mới về hoạch định đường lối đối ngoại, giải quyết linh hoạt và giữ vững nguyên tắc trong mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và hội nhập quốc tế. Đại hội lần thứ VI chỉ mới dừng lại ở việc xác định chính sách đối ngoại hòa bình và hữu nghị, chính sách cùng tồn tại hòa bình giữa các nước có chế độ chính trị và xã hội khác nhau, “giữ vững độc lập tự chủ, tăng cường hợp tác quốc tế”[6], đến các kỳ đại hội sau, thuật ngữ “hội nhập kinh tế quốc tế được sử dụng phổ biến cùng với quá trình Việt Nam gia nhập ASEAN (năm 1995), đặc biệt, từ Đại hội lần thứ IX, vấn đề chủ động, tích cực hội nhập đã được khẳng định. Đảng chủ trương hội nhập để phát triển đất nước, tăng cường nội lực, tranh thủ ngoại lực trên cơ sở giữ vững nguyên tắc độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Có thể nói, độc lập dân tộc là nền tảng cơ bản, vững chắc để hội nhập thành công, ngược lại, hội nhập thành công, khẳng định được vị thế trên trường quốc tế sẽ càng củng cố thêm sự vững chắc của nền độc lập.

           Từ năm 1995, sau khi trở thành thành viên chính thức của ASEAN, Việt Nam đã từng bước thể hiện rõ năng lực trong hội nhập. Với tinh thần chủ động và tích cực trong hội nhập, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến được ghi nhận trong cộng đồng ASEAN, tại các diễn đàn APEC, ASEM, vừa thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với quá trình hòa bình, hợp tác, cùng phát triển giữa các dân tộc, vừa cho thấy sự tín nhiệm của các nước dành cho Việt Nam. Cánh cửa quốc tế rộng mở cho Việt Nam tiến vào hội nhập. Tính đến hết năm 2023, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của rất nhiều tổ chức quốc tế, được tín nhiệm hai lần vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an của Liên Hợp quốc với số phiếu ủng hộ gần như tuyệt đối. Điều đó cho thấy Việt Nam đã thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, linh hoạt, rộng mở, giúp Việt Nam ngày một vươn xa trên con đường hội nhập trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, đan xen thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn. Đường lối đó cho phép Việt Nam hội nhập nhưng không hòa tan, vươn ra biển lớn mà không mất phương hướng. Đó chính là quan điểm nhất quán của Việt Nam, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

2.2. Đại thắng Mùa xuân năm 1975 - nền tảng tạo nên sức mạnh Việt Nam trong việc giải quyết mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế

          Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đại thắng Mùa xuân năm 1975 đã kết thúc một quá trình đấu tranh kiên cường, bền bỉ chống ngoại xâm, thống nhất đất nước, mở ra một giai đoạn cách mạng mới - giai đoạn bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng hòa bình, hội nhập và phát triển. Trải qua nhiều thập kỷ xây dựng, đổi mới đất nước, Đảng đã rút ra bài học hàng đầu trong việc giải quyết mối quan hệ gữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế là lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm cơ sở, nền tảng cho việc tăng cường giao lưu, hợp tác với các nước, các khu vực, kết hợp tinh thần cảnh giác cao độ trước các âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam, đề cao văn hóa khoan dung của người Việt, chủ động hòa giải và tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài, xây dựng môi trường hòa bình trong xu thế vận động chung của nhân loại.

          Từ sau ngày 30/4/1975, Việt Nam có độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, song nền hòa bình toàn diện và chắc chắn mà nhân dân Việt Nam miệt mài đấu tranh và hy sinh vẫn chưa được đảm bảo một cách vững chắc, khi mà dọc hai tuyến biên giới phía Bắc và phía Tây Nam vẫn còn xung đột đẫm máu, khi mà Việt Nam bị các quốc gia tư bản chủ nghĩa hợp sức bao vây cấm vận, các thế lực phản động ra sức chống Đảng, chống Chính phủ. Trong hoàn cảnh đó, sự kiên định mục tiêu xã hội chủ nghĩa, sự vững vàng trong bản lĩnh chính trị, sự bình tĩnh trong hoạch định đường lối đã giúp Đảng đề ra chính sách đối ngoại phù hợp với xu thế của đất nước, vừa đảm bảo vững chắc nền độc lập dân tộc, vừa duy trì, mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước xã hội chủ nghĩa, từng bước bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, phá được thế bị bao vây cấm vận, tiến tới bình thường hóa quan hệ với Mĩ và các nước tư bản chủ nghĩa, mở ra cánh cửa bước vào khu vực ASEAN và thế giới. Từ năm 2000, Việt Nam bắt đầu quá trình hội nhập, ban đầu là hội nhập kinh tế, sau đó tiến tới hội nhập toàn diện. Trải qua 22 năm, Việt Nam dần tạo dựng được uy tín với các nước trong cộng đồng quốc tế, khẳng định được vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.

          Chính sách đối ngoại của Đảng thể hiện những chủ trương, chỉ đạo đúng đắn cho công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trên tất cả trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân. Nhờ đó, đối ngoại và hộp nhập quốc tế của Việt Nam đạt nhiều thành tựu nổi bật, phản ánh rõ nét việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo vệ độc lập dân tộc và hội nhập quốc tế sâu, rộng.

          Từ ngày 11/1/2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Sự kiện lớn này đã để lại nhiều dấu ấn tích cực trên hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đến năm 2021, Việt Nam có hơn 220 đối tác thương mại, được 71 nước công nhận quy chế kinh tế thị trường.

          Theo đánh giá và xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chỉ số “Năng lực cạnh tranh toàn cầu” (GCI) của Việt Nam đã cải thiện mạnh. Trong 10 năm (2007-2017), chỉ số GCI của Việt Nam tăng 13 bậc, từ hạng 68/131 vào năm 2007 lên hạng 55/137 vào năm 2017 và chuyển từ nhóm nửa dưới của bảng xếp hạng lên nhóm nửa trên.

          Trong năm 2019, Việt Nam lọt vào tốp 10/163 nước “đáng sống nhất thế giới” trong bảng xếp hạng của HSBC Expat; đứng thứ 83/128 nước trong xếp hạng các nước an toàn nhất; xếp thứ 94/156 nước trong Bảng xếp hạng quốc gia hạnh phúc. Việt Nam đứng thứ 84/161 nước trong xếp hạng bảo vệ nhà đầu tư của Forbes và xếp thứ 39/80 nước trong xếp hạng các nước "tốt nhất thế giới" theo đánh giá của trang U.S. News & World Report …[7]

          Đến năm 2021, Việt Nam quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc (30 nước có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện), thiết lập được quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. có quan hệ kinh tế với 160 nước và 70 vùng lãnh thổ.

          Vị thế quốc tế của Việt Nam không ngừng được nâng cao, trở thành thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương, hai lần làm Chủ tịch ASEAN (2010, 2020), hai lần trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009, 2020-2021), hai lần là nước chủ nhà APEC (2006, 2017).

          Trong quá trình hội nhập, nguyên tắc độc lập tự chủ được Việt Nam thực hiện đầy đủ. Đến nay, Việt Nam cơ bản xây dựng được đường biên giới trên bộ hòa bình, hợp tác, hữu nghị với các nước làng giềng; kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích chính đáng của đất nước trên biển[8].

2.3. Một số vấn đề trao đổi

          Từ Đại thắng Mùa xuân năm 1975 đến nay đã ngót 48 năm. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập, trong đó khẳng định: Dân tộc Việt Nam xứng đáng được hưởng độc lập, tự do, và trên thực tế đã trở thành một nước độc lập, tự do[9]. Và chiến thắng lịch sử 30/4/1975 là chiến thắng lẫy lừng, bảo vệ được nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Hơn thế nữa, đó là minh chứng hùng hồn cho ý chí độc lập, tự chủ của dân tộc suốt hàng bao thế kỷ hun đúc và phát huy. Từ nền tảng độc lập, chủ quyền, Việt Nam vươn mình ra thế giới, hội nhập để giao lưu, học hỏi, và phát triển. Trong 45 năm qua, Đảng đã có nhiều chính sách đúng đắn giúp Việt Nam khẳng định vị thế quốc gia trong cộng đồng quốc tế, đồng thời đảm bảo vững chắc nền độc lập, chủ quyền của mình. Để có thể phát huy hơn nữa tính hiệu quả trong hội nhập quốc tế, giúp Việt Nam vươn lên mạnh mẽ hơn nữa trong bảng xếp hạng quốc tế, cần làm rõ một số vấn đề sau:

          Thứ nhất, cần thiết xác định rõ nội hàm của “chủ động hội nhập” và “tích cực hội nhập” để xây dựng chiến lược hội nhập phù hợp. “Chủ động” trong việc lựa chọn lĩnh vực và mức độ hội nhập để đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa và sự phát triển bề vững của đất nước, dự báo được những tác động tiêu cực của quá trình hội nhập để có sự điều chỉnh kịp thời lộ trình và mức độ hội nhập. “Tích cực” trong tính toán và hội tụ các nguồn lực để đạt mục tiêu sớm nhất, hiệu quả nhất.

          Thứ hai, nắm vững quan điểm toàn diện và linh hoạt trong quá trình thiết lập các mối quan hệ song phương, đa phương. Quán triệt nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để duy trì, phát triển các mối quan hệ ấy theo hướng đảm bảo lợi ích quốc gia dân tộc.

          Thứ ba, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, hoàn thiện cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài và quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra thế giới, tăng sức cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

          Thứ tư, thay đổi tích cực và có hiệu quả lộ trình hội nhập về giáo dục, văn hó và chính trị. Đặc biệt, trong lĩnh vực giáo dục, cần thay đổi tư duy phiến diện, máy móc trong việc học tập, vận dụng kinh nghiệm quản lý giáo dục của các nước tiên tiến, nhằm tăng sức phù hợp khi đưa vào Việt Nam. Có như vậy, nền giáo dục Việt Nam mới có đà phát triển nhanh chóng, từ đó đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, hiệu quả, đảm bảo vững chắc cho những giá trị độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam.

3. Kết luận

          Đại thắng Mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là bệ phóng để Việt Nam khẳng định thế và lực của đất nước trong quan hệ quốc tế. Trong bối cảnh quốc tế có nhiều sự biến đổi nhanh chóng và mạnh mẽ, đặc biệt là sự phát triển của khoa học - công nghệ, quá trình hội nhập sâu, rộng càng đem về cho Việt Nam nhiều lợi ích quốc tế để phát triển quốc gia. Trong quá trình đó, giữ vững nguyên tắc độc lập dân tộc, xem đó là nền tảng cơ bản vững chắc cho việc thiết lập, phát triển quan hệ song phương, đa phương, tham gia các tổ chức, diễn đàn khu vực và thế giới càng giúp Việt Nam giữ vững được uy tín và vị trí của quốc gia trên bản đồ khu vực và thế giới, gặt hái thành tựu và thực hiện thành công mục tiêu xây dựng đất nước thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định.

 

Tài liệu tham khảo

Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội.

Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

TS. Nguyễn Minh Phong (2022), “Dấu ấn tích cực trên hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam”, Báo Điện tử Chính phủ, 10/1/2022.

Thông tấn xã Việt Nam (2021), “Thành tựu của đối ngoại Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 14/12/2021.

Tổng cục Hậu cần (1999), Lịch sử hậu cần quân đội nhân dân Việt Nam, tập 2 (1954-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội.

Tổng cục Hậu cần (1998), Hậu cần trong tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội.

Tổng cục Hậu cần (1976), Báo cáo tổng kết công tác hậu cần kỹ thuật chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, số 277/HC, tháng 2/1976.

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr.110.

[2] Tổng cục Hậu cần (1976), Báo cáo tổng kết công tác hậu cần kỹ thuật chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, số 277/HC, tháng 2/1976.

[3] Tổng cục Hậu cần (1999), Lịch sử hậu cần quân đội nhân dân Việt Nam, tập 2 (1954-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.547.

[4] Tổng cục Hậu cần (1998), Hậu cần trong tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.89.

[5] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.3.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, tr.105.

[7] TS. Nguyễn Minh Phong (2022), “Dấu ấn tích cực trên hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam”, Báo Điện tử Chính phủ, 10/1/2022.

[8] Thông tấn xã Việt Nam (2021), “Thành tựu của đối ngoại Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 14/12/2021.

[9] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.3.

 
Bài viết liên quan
Đảng ủy Trường Đại học Khánh Hòa tổ chức Hội nghị sơ kết công tác Đảng 6 tháng đầu năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024
Ban Thường vụ Đảng ủy Trường Đại học Khánh Hòa làm việc với cấp ủy các chi bộ trực thuộc
Chi bộ Khoa học Tự nhiên - Sư phạm kết nạp 04 Đảng viên mới
Đảng uỷ Trường Đại học Khánh Hoà tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng cho Bí thư Chi bộ và cấp ủy chi bộ trực thuộc
Chi bộ Khoa Du Lịch tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CON NGƯỜI
Đảng ủy Trường Đại học Khánh Hòa tổ chức lớp bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đối tượng kết nạp Đảng năm 2023
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN Kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023)
QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VỀ THU HÚT VÀ TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI
QUAN NIỆM CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ VAI TRÒ VÀ MỤC ĐÍCH THI ĐUA YÊU NƯỚC
TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 48 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (02/4/1975 - 02/4/2023) VÀ 48 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2023)
TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG (10/3 ÂM LỊCH)
Tuyên truyền kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2023), 93 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/02/1930 - 24/02/2023)
Đảng ủy Trường Đại học Khánh Hoà tổ chức Hội nghị nghiên cứu, học tập và quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII
LỄ TRAO TẶNG HUY HIỆU 30 NĂM TUỔI ĐẢNG CHO ĐẢNG VIÊN CHI BỘ HÀNH CHÍNH – THƯ VIỆN
Đại Hội Chi Bộ Khoa Du Lịch Nhiệm Kỳ 2022-2025
Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các Kết luận, Quy định của Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Lễ kết nạp Đảng viên mới cho sinh viên ưu tú của chi bộ khoa Du lịch
Kỷ niệm 110 ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương, lãnh đạo tiền bố tiêu biểu của Đảng và Cách mạng Việt Nam (28/03/1912 - 28/03/2022)
Đảng ủy Trường Đại học Khánh Hòa tổ chức hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện chuyên đề toàn khóa về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và triển khai công tác Đảng năm 2022
Tổng quan