TS. Võ Văn Dũng, Đảng ủy viên, Phó Bí thư chi bộ, Phó trưởng khoa Lý luận cơ bản
Tóm tắt
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, thi đua phải luôn gắn liền với nhiệm vụ công việc hàng ngày và gắn liền với mục đích, yêu cầu chung trong từng giai đoạn lịch sử của cách mạng để hướng quần chúng vào mục tiêu đó mà phấn đấu thi đua đạt kết quả tốt. Thi đua không chỉ là hoạt động tích cực, sáng tạo trong hoạt động sản xuất vật chất cho xã hội, mà thi đua còn là hoạt động mang tầm tư tưởng và tinh thần. Thi đua yêu nước động viên sức mạnh tiềm tàng trong mỗi con người, mỗi tập thể, trở thành động lực thúc đẩy họ vượt qua khó khăn, thử thách để đi đến thành công trong cuộc sống và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong bài viết này tác giả sẽ chỉ rõ quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò và mục đích thi đua yêu nước.
Từ khóa: vai trò; mục đích; thi đua yêu nước.
1. Dẫn nhập
Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh thì tư tưởng về thi đua yêu nước là một trong những tư tưởng không chỉ có những đóng góp về mặt lý luận mà còn để lại những giá trị thực tiễn sâu sắc, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Sinh thời Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề thi đua yêu nước, xuất phát từ quan niệm thi đua là một hoạt động hàng ngày của con người. Hồ Chí Minh khẳng định “công việc hằng ngày chính là nền tảng của thi đua”[1] và thi đua trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy cuộc sống và xã hội phát triển. Người đã nâng thi đua lên một tầm cao mới đó là “thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”[2]. Sau khi ra lời kêu gọi thi đua yêu nước thì Người trực tiếp phát động phong trào, chỉ đạo và động viên toàn thể dân tộc Việt Nam thực hiện. Phong trào thi đua yêu nước trở thành một nguồn động lực thúc đẩy cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thi đua yêu nước phải được thực hiện trong hoạt động sản xuất vật chất lẫn hoạt động tinh thần. Và thi đua yêu nước không chỉ cần trong đấu tranh mà còn cần thiết trong bảo vệ và xây dựng đất nước.
2. Nội dung
2.1. Quan niệm của Hồ Chí Minh về vai trò thi đua yêu nước
Hồ Chí Minh cho rằng thi đua yêu nước có vai trò vô cùng quan trọng không chỉ trong đấu tranh chống kẻ thù mà còn trong xây dựng và phát triển đất nước. Bởi thi đua là hình thức động viên sức mạnh tiềm tàng trong mỗi cá nhân, mỗi tập thể trổi dậy để vượt qua mọi khó khăn thử thách trong đấu tranh và trong việc phát triển kinh tế. Thi đua yêu nước có vai trò thúc đẩy sáng kiến và sức sáng tạo, mở rộng tư duy, nâng cao nhận thức với mỗi con người nhằm tạo nên động lực cho cuộc cách mạng kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Bên cạnh đó thi đua yêu nước còn là động lực để khơi dậy tối đa sức sáng tạo, tinh thần xung phong, ý chí, tính tự nguyện tự giác, biến những khó khăn thành đơn giản. Muốn làm cho mọi công tác được phát triển tốt thì cần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phải làm cho phong trào lúc nào cũng sục sôi và mỗi người ở đó đều phát huy hết tinh thần trách nhiệm và tính tự giác của bản thân.
Nhận thấy vai trò yêu nước là rất quan trọng nên Hồ Chí Minh luôn đề cao tính thi đua trong quá trình hoạt động của mình. Sự thi đua được thể hiện ở lý tưởng, ý chí quyết tâm vượt qua mọi thử thách, hết lòng hết dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có lòng nhân ái, giản dị, gần gũi quần chúng. Chính lòng yêu nước, thương dân đã hun đúc nên cốt cách, bản lĩnh Hồ Chí Minh. Và bằng tất cả tấm lòng yêu nước, cốt cách kiên cường, trí thông minh, sáng tạo, Người đã tìm ra con đường cứu nước, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh không chỉ là người khởi xướng, kiến tạo phong trào thi đua yêu nước mà còn là người thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của phong trào thi đua, là tấm gương sáng của phong trào thi đua yêu nước Việt Nam. Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải làm cho sự tự tin của mỗi con người trổi dậy để họ có thể khẳng định bản thân mình. Muốn cho sự tự tin trổi dậy thì phải tạo ra tính thi đua bởi bản chất của con người, ai cũng muốn vươn lên để tự hoàn thiện mình. Sự vươn lên của mỗi người sẽ mang lại lợi ích cho chính họ và cho xã hội. Mỗi cá nhân tự tin vào bản thân và vươn lên thì sẽ trở thành động lực phát triển của xã hội. Việc khích lệ tính tự tin và tổ chức thi đua yêu nước để đánh giá khách quan khả năng của mỗi người là một điều cần thiết trong quá trình giữ nước và phát triển đất nước. Như vậy thi đua nghĩa là hoạt động có tổ chức với sự tham gia tự nguyện của cá nhân, tập thể nhằm phấn đấu đạt được những thành tích tốt nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thi đua, không chỉ có nội dung “ganh đua” mà còn có nội dung “thúc đẩy” nhau cùng vươn lên vì mình, vì tập thể, vì dân tộc và Tổ quốc. Thi đua yêu nước hiểu theo nghĩa thông thường là cùng nhau đem hết tài năng, sức lực ra nhằm thúc đẩy lẫn nhau đạt thành tích tốt nhất trong học tập, sản xuất, công tác và chiến đấu bảo vệ đất nước.
Vấn đề thi đua đã được bàn đến rất nhiều. Theo quan niệm của C. Mác “thi đua nảy nở trong quá trình hợp tác lao động, trong hoạt động chung và kế hoạch của con người. Sự tiếp xúc xã hội tạo nên thi đua và sự nâng cao theo lối đặc biệt nghị lực sinh động tăng thêm nghị lực cho riêng từng người”[3]. Theo quan niệm này thì thi đua sẽ có quá trình hình thành và phát triển trong hoạt động sản xuất vật chất và hoạt động tinh thần. Quá trình thi đua sẽ làm tăng thêm sức mạnh và nghị lực cho mỗi cá nhân. Như vậy, thi đua được thể hiện trong quá trình hợp tác giữa con người với con người trong lao động, thông qua đó chúng ta thấy được khả năng của mỗi người. Kế thừa quan điểm của C. Mác về thi đua, V.I.Lênin cho rằng “chủ nghĩa xã hội không những không dập tắt thi đua, mà trái lại lần đầu tiên đã tạo ra khả năng áp dụng thi đua một cách thật sự rộng rãi, quy mô thật sự to lớn, v.v nhiệm vụ của chúng ta hiện nay, khi chính phủ xã hội chủ nghĩa đang cầm quyền là phải tổ chức thi đua, v.v chỉ có ngày nay mới có điều kiện cho tính tháo vát, tinh thần thi đua, óc sáng kiến mạnh dạn phát huy thực sự rộng rãi trên quy mô thực sự lớn”[4]. Từ thực tiễn của việc hoạt động cho thấy, thi đua là một đặc trưng nổi bật của quá trình vận động, phát triển của các nhân và xã hội, thi đua sẽ khơi dậy ở mỗi con người sự tự tin, khiến cho con người dốc hết năng lực, bản lĩnh cho công việc mà mình đang làm. Thi đua rong quan điểm của V.I.Lênin là một hình thức hợp tác giữa người với người, góp phần phát triển năng lực của con người, phát triển của tính chủ động sáng tạo của nhân dân lao động và của chế độ dân chủ trong xã hội mới. Đó là phong trào lao động tự nguyện, góp sức giải quyết khó khăn xây dựng xã hội mới của quần chúng lao động được giải phóng khỏi ách áp bức bóc lột. Thi đua xã hội chủ nghĩa, ra đời trên cơ sở lao động tập thể, trên cơ sở những quan hệ tương trợ và hợp tác, đoàn kết theo tinh thần đồng chí, nhằm giúp đỡ những người lạc hậu dần dần tiến lên ngang những người tiên tiến, nâng cao trình độ văn hóa và trình độ sinh hoạt tinh thần của mọi người. V.I.Lênin coi thi đua là đòn bẩy mạnh mẽ của tiến bộ kinh tế - xã hội, là trường học giáo dục chính trị lao động và đạo đức cho nhân dân lao động. Chức năng chủ yếu của thi đua xã hội chủ nghĩa là chức năng kinh tế: nâng cao hiệu suất của sản xuất xã hội, đạt những kết quả cuối cùng cao nhất của nền kinh tế quốc dân, đạt năng suất lao động cao hơn, tổ chức lao động một cách khoa học v.v..
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, thi đua không chỉ là hoạt động tích cực, sáng tạo trong hoạt động sản xuất vật chất cho xã hội, mà thi đua còn là hoạt động mang tầm tư tưởng và tinh thần. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm. Và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi”[5]. Theo chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua tồn tại khách quan trong xã hội, “tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua. Thí dụ: từ trước đến giờ ta vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, mặc, ở cho sạch sẽ, cho hợp vệ sinh, cho khỏi đau ốm. Xưa nay ta vẫn làm ruộng. Nay ta thi đua làm cho đất ruộng tốt hơn, sản xuất nhiều hơn. Mọi việc đều thi đua như vậy”[6]. Hồ Chí Minh cho rằng thi đua có vai trò vô cùng to lớn nên phải tổ chức để mọi người tham gia cho dù đó là việc to hay việc nhỏ. Việc thi đua phải làm cho mỗi người đều hiểu đó là ích nước, lợi nhà. Khi mỗi cá nhân hiểu được vai trò của thi đua thì năng suất công việc có thể được nâng lên 100% công suất. Khi năng suất lao động được nâng lên thì đời sống vật chất sẽ được cải thiện và đất nước cũng vì thế mà phát triển. Việc thi đua yêu nước khoong phải diễn ra trên một lĩnh vực mà nó còn được thể hiện ở tất cả các lĩnh vực, mang tính thường xuyên, liên tục và phù hợp với nhiệm vụ của đất nước từng giai đoạn. Hồ Chí Minh cho rằng, “Cuộc thi đua ái quốc sẽ đưa chúng ta lên một trình độ cao hơn trong cuộc kháng chiến, kiến quốc, nó sẽ đưa chúng ta mau đến chỗ thành công. Vì vậy, đồng bào ta bất kỳ già, trẻ, trai, gái, giàu nghèo, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, mọi người đều phải đưa chí sáng suốt, lực lượng và tài năng của mình vào đó, để phụng sự dân tộc, phung sự Tổ quốc”[7]. Thi đua yêu nước động viên sức mạnh tiềm tàng trong mỗi con người, mỗi tập thể, trở thành động lực thúc đẩy họ vượt qua khó khăn, thử thách để đi đến thành công trong cuộc sống và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Thi đua yêu nước thúc đẩy sáng kiến và sức sáng tạo của con người, mở rộng tư duy, nâng cao nhận thức. Tuy nhiên, “thi đua không phải là ganh đua, giấu nghề. Thi đua có nghĩa là mọi người phát triển tài năng, sáng kiến của mình, học hỏi điều hay lẫn nhau, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm để cùng nhau tiến bộ”[8]. Thi đua yêu nước có vai trò khơi dậy, phát huy tối đa sức sáng tạo, tinh thần xung phong, ý chí quyết tâm xả thân vì nước, tự giác trong hoạt động để hướng đến hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với lao động sáng tạo xã hội, thi đua là cải tạo con người.
Như vậy, thi đua yêu nước có vai trò bồi dưỡng tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước của dân tộc, hình thành con người mới và xây dựng chế độ mới. “Thi đua là đoàn kết”[9], phong trào thi đua có vai trò phát triển tinh thần đoàn kết giữa tất cả các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, với sự gắn bó mật thiết với nhau trong sản xuất và phục vụ Tổ quốc. Trong phong trào thi đua thì phải bình đẳng không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, giai cấp, giới, v.v. “Thi đua tăng cường đoàn kết, mà đoàn kết đẩy mạnh thi đua. Đoàn kết ấy là đoàn kết thực sự và rất chặt chẽ”[10]. Trong kháng chiến thì vai trò của thi đua yêu nước là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, để xây dựng đất nước. Khi miền bắc đã được giải phóng thì Hồ Chí Minh tiến hành kêu gọi “Cùng toàn thể đồng bào yêu quý, Nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước và chí quật cường chẳng kém ai. Nay muốn tự cấp, tự túc, đi kịp người ta, thì chúng ta phải đi mau. Vì vậy, sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc Thi đua yêu nước, tức là tăng gia sản xuất[11]”. Như vậy, thi đua yêu nước có vai trò thúc đẩy sự nhiệt tình cách mạng đối với quần chúng, có sức mạnh cải tạo xã hội, cải giới tự nhiên và con người. Việc tạo ra các phong trào thi đua yêu nước sẽ là động lực để thúc đẩy việc rèn luyện, đào tạo con người một cách toàn vẹn. Vai trò của thi đua yêu nước giúp Đảng và Nhà nước rèn luyện năng lực lãnh đạo, năng lực chiến đấu, tổ chức quản lý, điều hành và có tư duy phản biện xã hội. Việc thực hiện tốt các phong trào thi đua sẽ có vai trò to lớn trong việc hoàn thiện nhân cách con người, hoàn thiện nhiệm vụ chính trị hiện nay.
2.2. Quan niệm của Hồ Chí Minh về mục đích thi đua yêu nước
Hồ Chí Minh cho rằng, mục đích của thi đua yêu nước là hình thức động viên mọi tầng lớp nhân dân phát huy nhiệt tình cách mạng, kích thích tinh thần lao động sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể để hoàn thành và vượt mức các nhiệm vụ đề ra. Với mục đích đó phong trào thi đua yêu nước đã trở thành phong trào của toàn dân, được tổ chức và chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến địa phương đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Mục đích của phong trào yêu nước ở các thời điểm và lĩnh vực khác nhau sẽ có các phong trào thi đua yêu nước với những tiêu chí, nội dung và khẩu hiệu hành động khác nhau nhưng chúng đều có chung một mục đích là mang lại lợi ịch chính đáng cho cá nhân, cộng đồng và toàn dân tộc Việt Nam như: “diệt giặc đói” để toàn dân đủ ăn mặc; “diệt giặc dốt” để toàn dân biết đọc, biết viết; toàn quân đầy đủ lương thực, khí giới để “diệt giặc ngoại xâm” thống nhất hoàn toàn nước nhà. Lời kêu gọi thi đua yêu nước của Hồ Chí Minh xuất phát từ lợi ích của nhân dân, đem lại ấm no, hạnh phúc và độc lập tự do cho dân, đó là niềm khát khao lớn nhất của mỗi người dân Việt Nam. Người nêu ra mục đích cao nhất của thi đua là nhằm “hạnh phúc cho dân”. Như vậy, suy đến cùng về các mặt thỉ bảo đảm và cải thiện nâng cao đời sống của nhân dân là mục đích cao nhất của cách mạng, cho nên thi đua cải thiện đời sống là mục đich, động lực, đồng thời là điều kiện để đẩy mạnh kháng chiến, đẩy mạnh cách mạng nước ta. Hồ Chí Minh cho rằng, “Nhân dân ta thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm để cải thiện đời sống tinh thần và vật chất của quân và dân, cung cấp đầy đủ cho kháng chiến, chuẩn bị chuyển sang tổng phản công. Quân đội ta thi đua diệt giặc lập công để tiêu diệt nhiều sinh lực địch, chuẩn bị chuyển sang tổng phản công, để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, hoàn thành dân chủ mới, tiến lên chủ nghĩa xã hội”[12]. Như vậy mục đích thi đua yêu nước theo cách hiểu thông thường là nâng cao hiệu quả lao động sản xuất, phát huy tính nhiệt tình và sự sáng tạo trong lao động. Mục đích của thi đua yêu nước theo quan niệm của Hồ Chí Minh, không chỉ là hoạt động tích cực và sáng tạo trong công việc hàng ngày, trong lao động sản xuất vật chất, mà còn là hoạt động tư tưởng và tinh thần, là biểu hiện của lòng yêu nước. “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”[13]. Với quan điểm đó cho thấy mục đích yêu nước là tạo nên sức mạnh vể thể lực, trí lực và tinh thần của nhân dân. Sức mạnh đó phải tồn tại lâu dài, bền bỉ “thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực. Các chiến sĩ thi đua đều tăng năng suất từ gấp rưỡi trở lên. Nếu ta cứ tính đổ đồng mỗi chiến sĩ đều tăng năng suất gấp đôi, nếu tất cả những người lao động nước ta - bộ đội, công, nông, lao động trí óc - đều thi đua và đều tăng năng suất gấp đôi, thì kết quả sẽ thế nào? Kết quả là lực lượng của ta về mọi mặt đều tăng gấp đôi. Ta sẽ diệt giặc gấp đôi. Kết quả là kháng chiến sẽ thắng lợi gấp đôi, kiến quốc sẽ thành công gấp đôi. Kết quả là dân giàu nước mạnh”[14]. Thi đua không chỉ là lao động sáng tạo nên sự gia tăng về số lượng và chất lượng trong hoạt động sản xuất của con người, tạo ra của cải vật chất làm giàu cho xã hội, mà đó chính là tấm lòng, tình cảm của con người đối với quê hương, đất nước. Hồ Chí Minh đã lấy thi đua làm động lực tinh thần phát huy lòng yêu nước. Quan điểm của Người được xây dựng trên nền tảng truyền thống vững chắc của lịch sử văn hoá dân tộc, đó là lòng yêu nước, ý chí quật cường của con người Việt Nam. Hồ Chí Minh đã viết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết tinh thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[15]. Trên quan điểm đó Hồ Chí Minh đã biến thi đua yêu nước thành sức mạnh của hàng triệu người, của toàn dân kháng chiến, kiến quốc. Mục đích cao nhất của thi đua yêu nước là phát huy lòng yêu nước bằng những hành động cụ thể trong lao động sản xuất và chiến đấu.
Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở mục đích phát động phong trào thi đua yêu nước để phát huy nội lực của dân tộc Việt Nam mà còn hướng tới tinh thầy quốc tế trong sáng. Đó là, “thi đua là góp sức giữ gìn hòa bình và dân chủ thế giới”. Điều đó được thể hiện ở phong trào thi đua của nhân dân ta chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Mục đích của phong trào thi đua này không chỉ để giải phóng dân tộc, mà còn là tích cực góp vào công cuộc kháng chiến chống đế quốc, thực dân trên thế giới, góp phần vào công cuộc gìn giữ hoà bình, dân chủ trên thế giới. Hồ Chí Minh khẳng định “chỉ có dưới chế độ dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa, dưới chế độ do nhân dân lao động làm chủ nước nhà, thì mới có phong trào thi đua. Phong trào thi đua yêu nước ở ta ngày càng phát triển vì nhân dân ta đã làm chủ nước nhà”. Mục đích của thi đua là xây dựng một thế giưới hòa bình, văn minh, bình đẳng, hợp tác và tôn trọng
3. Kết luận
Thi đua yêu nước thúc đẩy sáng kiến và sức sáng tạo của con người, mở rộng tư duy, nâng cao nhận thức. Thi đua yêu nước là động lực khơi dậy, phát huy tối đa sức sáng tạo, tinh thần xung phong, ý chí quyết tâm xả thân vì nước, tự giác trong hoạt động để hướng đến hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với lao động sáng tạo xã hội, thi đua là cải tạo con người. Thi đua yêu nước nhằm bồi dưỡng tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước của dân tộc, hình thành con người mới và xây dựng chế độ mới. Thi đua không chỉ là hoạt động tích cực và sáng tạo trong công việc hàng ngày, trong lao động sản xuất vật chất, mà còn là hoạt động tư tưởng và tinh thần, là biểu hiện của lòng yêu nước. Thi đua thể hiện tinh thần quốc tế, thể hiện tình thân ái, tinh thần mong muốn hoà bình hợp tác hữu nghị, cùng giúp nhau phát triển. Thi đua xuất phát từ lợi ích của nhân dân, đem lại ấm no, hạnh phúc và độc lập tự do cho dân, đó là niềm khát khao lớn nhất của mỗi người dân Việt Nam. Người nêu ra mục đích cao nhất của thi đua là nhằm “hạnh phúc cho dân”. Và phương thức thực hiện: thi đua phải có kế hoạch tỉ mỉ; thi đua phải có sự lãnh đạo đúng đắn; thi đua phải có khen thưởng.
Tài liệu tham khảo
C.Mác và Ph.Ăngghen (1994), Toàn tập, tập 23, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Võ Văn Dũng (2020), Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước với việc phát huy tinh thần yêu nước của sinh viên Việt Nam hiện nay, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội. Mã số ISBN: 978-604-962-511-4.
Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
V.I.Lênin, 2004, Toàn tập, t.36, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[1] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr 658.
[2] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 473.
[3] C.Mác và Ph.Ăngghen (1994), Toàn tập, tập 23, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr 105.
[4] V.I.Lênin: Toàn tập, t.36, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.325-328
[5] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 271.
[6] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 658.
[7] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 436.
[8] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 414
[9] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 472.
[10] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 473.
[11] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 419.
[12] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 496.
[13] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr 473.
[14] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr 473.
[15] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr 171.
[16] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr 474.
[17] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 198-199.