TS. Võ Văn Dũng, Đảng ủy viên, Phó Bí thư chi bộ, Phó trưởng khoa Lý luận cơ bản
1. Dẫn nhập
Nhân tài có vai trò, vị trí vô cùng quan trọng để phát triển đất nước, là nguồn lực vô giá của một quốc gia. Vì vậy, việc thu hút và trọng dụng nhân tài là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển bền vững của một đơn vị nói riêng và cả nước nói chung. Sau khi nước nhà giành được độc lập Hồ Chí Minh cho rằng “kiến thiết cần có nhân tài”[1]. Quan điểm này được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và cụ thể hóa bằng những chủ trương, chính sách trong tiến trình lãnh đạo đất nước.
2. Nội dung
Trong tiến trình phát triển của đất nước, ông cha ta luôn xem “hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”. Câu nói này đã được Thân Nhân Trung (1419 - 1499) khắc trên bia đá dựng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Truyền thống trọng chú trọng đào tạo nhân tài và sử dụng nhân tài của dân tộc Việt Nam đã được Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới, được thể hiện trong tư tưởng và hành động của Người. Trước khi thành lập Đảng, Người đã chú trọng đến việc tuyển chọn, đào tạo những thanh niêu ưu tú tại Quảng Châu (Trung Quốc) rồi đưa về nước để hoạt động tuyên truyền, tổ chức quần chúng, làm hạt nhân cho phong trào cách mạng. Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn chú trọng thu hút, tập hợp, trong dụng nhân tài để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, “Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”[2]. Để phát hiện được nhân tài, Người đã chỉ thị cho các địa phương trong cả nước phải kịp thời báo cáo cho chính phủ các nhân tài ở địa phương. Người cho rằng, “các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”[3]. Hưởng ứng lời kêu gọi đó của Người, nhiều trí thức nổi tiếng đã mang hết tài năng của mình phục vụ đất nước như: Trần Ðại Nghĩa; Lương Định Của; Nguyễn Khắc Viện; Tạ Quang Bửu; Tôn Thất Tùng; Trần Đức Thảo, v.v. Sự cống hiến của các nhân tài đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân đời đời nhớ ơn và trân trọng.
Hồ Chí Minh cho rằng, nhân tài phải hội đủ hai yếu tố chủ đạo đó là đức và tài, vì “không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[4]. Đức và tài có mối quan hệ biện chứng với nhau để hình thành nên nhân cách của một nhân tài. Dù nhấn mạnh mặt yếu tố đạo đức nhưng Người cũng khẳng định, nếu có đạo đức mà không có tài năng thì làm việc gì cũng khó. Như vậy, theo Người tài và đức phải gắn bó chặt chẽ với nhau để hình thành nên con người được gọi là nhân tài. Để thu hút được nhân tài theo Hồ Chí Minh cần phải phòng tránh “bệnh địa phương”[5].
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thu hút và trọng dụng nhân tài được Đảng và Nhà nước ta vận dụng một cách triệt để trong tiến trình lãnh đạo đất nước. Trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra các chủ trương, đường lối thu hút, trọng dụng nhân tài một cách phù hợp. Từ sau đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI năm 1986 đến nay, Đảng đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến thu hút, trọng dụng nhân tài. Vấn đề này được xem là một trong những chủ trương, chính sách nòng cốt đối với việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phát triển đất nước. Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 18/6/1997 của Hội nghị Trung ương lần thứ ba, khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đặt ra nhiệm vụ: “Chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp từ Trung ương đến cơ sở; cán bộ khoa học đầu ngành; cán bộ quản lý kinh doanh các doanh nghiệp lớn”. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã yêu cầu: “Quy định khung cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững. Xây dựng Chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài”[6]. Tại đại hội XIII, Đảng ta nhận định, hiện nay chúng ta vẫn còn “thiếu cơ chế, chính sách tuyển chọn và trọng dụng người tài”[7]. Để khắc phục tình trạng đó Đảng ta chủ trương cần phải “đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”[8].
Thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta đã xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành chính sách, pháp luật thu hút, trọng dụng nhân tài. Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định: “Nhà nước có chính sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trong dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng”, “Ưu tiên tuyển chọn người có tài năng”. Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 đã đề ra mục tiêu liên quan đến chính sách trọng dụng và đãi ngộ nhân tài trong nền công vụ như: tuyển dụng, bố trí, phân công nhiệm vụ phù hợp với trình độ, năng lực của công chức; thực hiện chế độ thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh; thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý. Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ đã quy định về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ làm việc tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang đã đặt cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành và địa phương căn cứ vào điều kiện đặc thù của cơ quan, đơn vị, chủ động xây dựng và ban hành các quy định thu hút, trọng dụng nhân tài. Bộ Nội vụ đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo “Đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để tạo cơ sở pháp lý cho việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng để thu hút, trọng dụng nhân tài tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 quy định: “Nhà nước có chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng. Chính phủ quy định khung chính sách trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ”... Có thể nói, những chủ trương, chính sách trên là minh chứng rõ nét về việc Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức đầy đủ về vai trò của nhân tài và sự cần thiết phải thu hút, trọng dụng nhân tài trong công cuộc xây dựng đất nước và phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Khánh Hòa, cũng đã ban hành nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND ngày 23/9/2022 về việc ban hành quy định chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và thu hút nhân tài trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Nghị quyết này đã thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Khánh Hòa trong việc thu hút và trọng dụng nhân tài để thực hiện hóa khát vọng phát triển.
3. Kết luận
Việc thu hút và trọng dụng nhân tài là một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, vì vậy vấn đề này được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Việc sử dụng nhân tài có trình độ cao, có năng lực và kinh nghiệm là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Để thu hút và trọng dụng nhân tài, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cá nhân, tổ chức có trình độ, năng lực cao để phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Đảng ta cũng đã chỉ ra rằng, việc thu hút và trọng dụng nhân tài cần được thực hiện một cách có hệ thống, toàn diện và bền vững. Quán triệt tinh thần đó, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Khánh Hòa đã cụ thể hóa bằng các nghị quyết nhằm thúc đẩy khát vọng phát triển tỉnh Khánh Hòa trên cơ sở Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 42/CP-NQ của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW; Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Tài liệu tham khảo
Đảng Cộng sản Việt Nam (2018), Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội.
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. Tr. 114
[2] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. Tr. 114
[3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. Tr. 504
[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, tr. 253
[5] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. Tr. 277
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2018, tr.64.
[7] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.II, tr.75.
[8] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.231.