Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
       
  25/11/2020 20:55        

Sử dụng phối hợp các phần mềm Powerpoin, Violet & Emindmap trong dạy học môn Văn ở trường cao đẳng, đại học

Tóm tắt: Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển như vũ bão hiện nay, việc giảng dạy các bộ môn lý luận cơ bản tại các trường cao đẳng, đại học đặt ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Việc vận dụng các phần mềm hiện đại vào giảng dạy môn Văn cũng có nhiều ưu điểm và hạn chế riêng. Bài viết giới thiệu về phần mềm PowerPoin, Violet và Emindmap, những ưu, nhược điểm của chúng và cách phối hợp để phát huy hiệu quả trong dạy học môn văn ở trường cao đẳng, đại học.

 

Có một quan niệm từng tồn tại khá phổ biến trong đội ngũ giáo viên là: do tính chất đặc thù của nó, dạy học môn văn không nhất thiết phải sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) và các thiết bị hiện đại. Tuy nhiên thực tiễn đã chứng minh rằng nếu giáo viên bồi dưỡng cho mình một trình độ nhất định về sử dụng CNTT và chịu khó đầu tư thiết kế ban đầu sẽ có rất nhiều bài học thuộc chương trình ngữ văn các cấp có thể xây dựng thành bài giảng điện tử đạt hiệu quả dạy học cao. Những bài giảng được chọn lựa phù hợp để thiết kế với sự hỗ trợ của các phần mềm và thiết bị dạy học hiện đại sẽ trở nên sinh động, phong phú thông tin, kiến thức do có nhiều minh họa cụ thể, hấp dẫn qua phim tư liệu, tranh ảnh, khúc ngâm, bài hát, hoặc các sơ đồ, bảng biểu giúp hệ thống, khái quát hóa bài học... Với những giờ dạy như thế, người dạy tiết kiệm được nhiều thời gian thuyết giảng và không quá vất vả khi giới thiệu, miêu tả, thể hiện những nội dung kiến thức mới còn người học dễ tiếp thu bài và có những điều kiện thuận lợi để tham gia “đồng sáng tạo” trong quá trình tiếp nhận các giá trị văn chương.

            Có một số phần mềm phổ dụng được nhiều giáo viên chọn để xây dựng bài giảng điện tử môn văn. Được ưa thích và sử dụng nhiều nhất hiện nay là phần mềm PowerPoin, đang phổ biến dần là Violet, ngoài ra còn một số phần mềm hỗ trợ khá tốt như: Emindmap, Photo  Story… Song mỗi phần mềm lại có ưu và nhược điểm riêng. Vì vậy người giáo viên cần sử dụng phối hợp để có thể khắc phục hạn chế của từng phần mềm riêng lẻ, tạo nên một tiết giảng văn hấp dẫn, gây hứng thú, không chỉ cung cấp kiến thức mà còn cung cấp phương pháp tiếp cận kiến thức cho người học một cách hệ thống.

            Trong phạm vi bài viết này chúng tôi xin vắn tắt ưu, nhược điểm của các phần mềm PowerPoin, Violet và EMindmap và giới thiệu một cách phối hợp chúng trong dạy học môn văn ở trường cao đẳng, đại học.

1. Ưu và nhược điểm của các phần mềm PowerPoin, Violet và EMindmap đối với việc dạy học môn văn

1.1.Microsoft PowerPoint là phần mềm cho phép soạn các bài trình chiếu hấp dẫn để làm bài giảng điện tử. Bài giảng được chuẩn bị trên PowerPoint cho phép giáo viên multimedia hoá từng đơn vị kiến thức và qua đó, dễ dàng tổ chức hoạt động học tập của học sinh - sinh viên.  PowerPoint cho phép liên kết với tất cả các chương trình được tạo ra từ các công cụ tạo bài giảng khác. Đồng thời, phần mềm này cho phép tạo ra các bài giảng có âm thanh, hình ảnh, video, chuyển động và tương tác với các hiệu ứng hết sức phong phú, có thể sử dụng để minh họa các tác phẩm văn học đã được dựng thành phim như Giông tố, số đỏ, Chí Phèo, Đất nước đứng lên ... Từ đó tạo hứng thú cho người học, giúp người học dễ dàng nắm bắt được kiến thức. Tuy nhiên, vì phần mềm PowerPoint không phải là phần mềm chuyên dụng để soạn bài giảng nên nó không có các công cụ hỗ trợ như các phần mềm khác mà giáo viên phải tự thiết kế do đó khi sử dụng nó lấy mất khá nhiều thời gian và công sức của giáo viên

1.2. Phần mềm Violet (Visual & Online Lesson Edirtor for Teachers - công cụ soạn thảo bài giảng trực tuyến dành cho giáo viên) là phần mềm công cụ giúp cho giáo viên có thể tự thiết kế bài giảng có giao diện thuần Việt. Violet có giao diện được thiết kế trực quan và dễ dùng, ngôn ngữ giao tiếp và phần trợ giúp đều hoàn toàn bằng tiếng Việt nên phù hợp với cả những giáo viên không giỏi Tin học và Ngoại ngữ. Tương tự phần mềm PowerPoint, Violet có đầy đủ các chức năng dùng để tạo các trang nội dung bài giảng như: cho phép nhập các dữ liệu văn bản, công thức, các file dữ liệu multimedia (hình ảnh, âm thanh, phim, hoạt hình Flash...), sau đó lắp ghép các dữ liệu, sắp xếp thứ tự, căn chỉnh hình ảnh, tạo các hiệu ứng chuyển động và biến đổi, thực hiện các tương tác với người dùng... Ngoài ra, Violet còn cung cấp sẵn nhiều mẫu bài tập chuẩn thường được sử dụng trong các sách giáo khoa (SGK) và sách bài tập như: Bài tập trắc nghiệm, bài tập ô chữ, bài tập kéo thả chữ / kéo thả hình ảnh, có thể sử dụng hiệu quả trong các tiết ôn tập về tác giả, tác phẩm hay một giai đoạn, trào lưu văn học. Tuy nhiên, đây là một phần mềm công cụ đóng, giáo viên chỉ có thể sử dụng các mẫu có sẵn để thiết kế bài giảng. Giao diện cũng không đẹp bằng PowerPoint.

1.3. Bản đồ Tư duy (Mind Map) là một hình thức ghi chép sử dụng màu sắc và hình ảnh, để mở rộng và đào sâu các ý tưởng. Ở vị trí trung tâm bản đồ là một hình ảnh hay một từ khóa thể hiện một ý tưởng hay khái niệm chủ đạo. Ý trung tâm sẽ được nối với các hình ảnh hay từ khóa cấp 1 bằng các nhánh chính, từ các nhánh chính lại có sự phân nhánh đến các từ khóa cấp 2 để nghiên cứu sâu hơn. Cứ thế, sự phân nhánh cứ tiếp tục và các khái niệm hay hình ảnh luôn được nối kết với nhau. Chính sự liên kết này sẽ tạo ra một “bức tranh tổng thể” mô tả về ý trung tâm một cách đầy đủ và rõ ràng. Bản đồ Tư duy đã thể hiện ra bên ngoài cách thức mà não bộ chúng ta hoạt động. Đó là liên kết, liên kết và liên kết. Việc sử dụng các từ khóa, chữ số, màu sắc và hình ảnh đã đem lại một công dụng lớn vì đã huy động cả bán cầu não phải và trái cùng hoạt động. Sự kết hợp này sẽ làm tăng cường các liên kết giữa 2 bán cầu não, và kết quả là tăng cường trí tuệ và tính sáng tạo của người học. Tuy nhiên trong thực tế, khó mà áp dụng phần mềm  tạo bản đồ tư duy Emindmap trong suốt cả tiết dạy văn mà chỉ có thể sử dụng bản đồ tư duy để phục vụ một ý tưởng nào đó của bài dạy.

2. Phối hợp các phần mềm PowerPoin, Violet và Emindmap khi dạy bài Phong cách thơ Xuân Diệu

Xuân Diệu là một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam và rất đỗi quen thuộc với học sinh - sinh viên. Nguồn tài liệu về Xuân Diệu rất phong phú và các em có thể tiếp cận được khá dễ dàng qua sách, báo, tạp chí, mạng Internet…Trước một đối tượng quen thuộc, giảng dạy theo kiểu cung cấp kiến thức là một việc nhàm chán và thừa thãi. Trong trường hợp này, giáo viên (GV) cần tận dụng những hiểu biết của sinh viên (SV) về Xuân Diệu để kích thích hứng thú của các em đồng thời định hướng cho các em những phương pháp tiếp cận mới mẻ, đa diện về nhà thơ này.

Trong quá trình dạy học về Phong cách thơ Xuân Diệu, chúng tôi đã sử dụng phối hợp các phần mềm: PowerPoin, Violet và Emindmap. Trong đó, bài giảng được soạn chủ yếu trên phần mềm PowerPoin, và sản phẩm của 2 phần mềm kia được liên kết vào bài giảng bằng chức năng Hyperlink.

Bước 1: Yêu cầu SV dùng bản đồ tư duy (vẽ trên giấy) để trình bày hiểu biết của mình về nhà thơ Xuân Diệu.

  Bản đồ Tư duy giúp SV trình bày các ý tưởng một cách rõ ràng, sáng tạo. Thông qua biểu đồ, các em có thể tóm tắt thông tin và hệ thống lại kiến thức đã học về Xuân Diệu, tăng cường khả năng ghi nhớ kiến thức cũ và đưa ra ý tưởng mới.

Sau khi SV đã trình bày sản phẩm của mình, GV trình chiếu bản đồ tư duy về Xuân Diệu trên máy tính. Trong bản đồ tư duy này, giáo viên hệ thống lại các kiến thức về tác giả Xuân Diệu như: Tiểu sử, Quê hương và gia đình, Tác phẩm, Đánh giá của người đọc vv…Với tính năng dễ sử dụng của phần mềm Emindmap, GV có thể sữa chữa bổ sung những kiến thức khác vào bản đồ tư duy ngay tại lớp với sự tham gia của SV, tạo nên sự tương tác cao giữa người dạy và người học.

Để hoàn thành phần việc này, GV cần phải soạn sẵn một bản đồ tư duy về Xuân Diệu trên phần mềm Emindmap. Sau đó, trên một slide PowerPoint của bài giảng, chúng ta liên kết với bản đồ tư duy này. Chẳng hạn:

Bước 2: GV giới thiệu các tài liệu tham khảo cho SV: Các cuốn sách, bài báo, các trang web… GV cần liệt kê tên các tài liệu này trên 1 slide, sau đó dùng chức năng Hyperlink của Powerpoint để liên kết với các gói nội dung đã soạn sẵn (có thể là ảnh các cuốn tài liệu tham khảo để SV dễ nhận dạng, các bài thơ của Xuân Diệu đã download từ Internet, các bài phê bình về Xuân Diệu. Đặc biệt, với những lớp học có nối mạng Internet, GV  chỉ cần đưa đường link của trang Web lên Slide, sau đó ấn Ctrl và nhấp chuột trái, máy tính sẽ tự động liên kết đến trang web đó). Với bài giảng Phong cách thơ Xuân Diệu, ngoài các sách báo in, chúng tôi giới thiệu cho SV các tài liệu “điện tử” sau:

Bước 3: Giới thiệu cấu trúc bài giảng: Tạo một Slide giới thiệu cấu trúc bài giảng Phong cách thơ Xuân Diệu, và coi đây là slide chủ. Để khoa học và chặt chẽ, chúng tôi dùng chức năng Hyperlink liên kết các mục này với các slide nội dung. Sau khi đã giảng trọn nội dung nét phong cách thứ nhất “khát khao giao cảm với đời”, ở slide cuối cùng của nét phong cách này, chúng tôi tạo một nút bấm (Action Buttons) để quay ngược lại liên kết với slide chủ. Từ Slide chủ này, chúng tôi tiếp tục liên kết với nội dung của nét phong cách thứ 2 “thi sĩ của tình yêu” và cứ thế tiếp tục đến hết bài. Việc sử dụng chức năng liên kết của phần mềm PowerPoint giúp học sinh có thể nắm được cấu trúc chỉnh thể của bài giảng, tránh được việc trình diễn slide nào biết slide đó.

Bước 4: Trong quá trình giảng dạy tác phẩm, tác giả đã quen thuộc, GV không nên dàn đều và không giảng trọn tất cả các đơn vị kiến thức. Quan trọng hơn là cần đào sâu vào những kiến thức trọng tâm, yêu cầu người học khám phá và lí giải nó. Với bài giảng “Phong cách thơ Xuân Diệu”, chúng tôi yêu cầu SV lập bảng so sánh Phong cách thơ Xuân Diệu với các nhà thơ khác để tìm ra nét cốt lõi, độc đáo khác biệt của thơ ông. Phần mềm  PowerPoint là trợ thủ đắc lực giúp người GV tạo nên các bảng so sánh một cách dễ dàng, nhanh chóng với các tiêu chí phong phú, cụ thể, rõ ràng. Điều này  rõ ràng thuận lợi hơn nhiều so với một tiết dạy với bảng phấn vì chiếm nhiều thời gian. GV có thể đưa ra một bảng so sánh trên slide với các tiêu chí đã định sẵn, để trống các nội dung so sánh. SV phải tìm ra được nét độc đáo của nhà thơ Xuân Diệu để điền vào bảng nội dung trên.

Bước 5: Sau bài giảng, GV có thể kiểm tra mức độ nhận thức của SV bằng các câu hỏi trắc nghiệm. Phần mềm Violet với nhiều mẫu bài tập có sẵn giúp GV dễ dàng và nhanh chóng thực hiện được điều này: (Trên trang soạn thảo Violet, vào Nội dung/ Thêm đề mục/Điền chủ đề Ôn tập, mục Xuân Diệu và tiêu đề màn hình Phong cách thơ Xuân Diệu. Nhấn vào nút tiếp tục/ công cụ/ bài tập trắc nghiệm. Tiếp theo trong phần Nhập mẫu bài tập trắc nghiệm, nhập nội dung câu hỏi vào mục Câu hỏi, nhập các lựa chọn vào mục Phương án. Cuối cùng là đánh dấu vào phương án đúng, chọn đồng ý để kết thúc việc soạn thảo bài tập trắc nghiệm). Sau khi sọan xong gói câu hỏi trắc nghiệm trên Violet, chúng ta tạo một slide có tiêu đề “Luyện tập” trên PowerPoint, sau đó liên kết với gói Violet bằng chức năng Hyperlink. Nhấp chuột vào đường dẫn, GV có thể mở gói Violet ra và tiến hành bình thường:

Dạy văn không đơn thuần chỉ là cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết mà còn dạy cách tiếp nhận tác phẩm, bồi dưỡng năng lực cảm thụ và năng lực ngôn ngữ. Đặc biệt trong các trường sư phạm, qua một giờ học nói chung, giờ học văn nói riêng SV còn học ở đó cách thiết kế, tổ chức hoạt động dạy học trong tương lai. Hoạt động này đòi hỏi người dạy phải vận dụng nhiều phương pháp, phương tiện dạy học khác nhau một cách linh hoạt, phù hợp. CNTT đã và đang hỗ trợ đắc lực cho quá trình dạy học văn theo hướng đổi mới phương pháp, tích cực hoá người học. Việc phối hợp sử dụng các phần mềm như đã trình bày minh hoạ ở trên đã vừa lạ hoá bài giảng vừa tăng cường hoạt động thực hành của người học, khiến người học thực sự trở thành một chủ thể nhận thức, có thể tự mình trải nghiệm và hưởng thụ niềm hạnh phúc được khám phá thế giới bí ẩn của văn chương.  

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Văn C­ường (2007),“Những lí thuyết học tập - cơ sở tâm lí học dạy học”, in trong Đổi mới nội dung và ph­ương pháp đào tạo giáo viên trung học cơ sở theo ch­ương trình CĐSP mới, Nxb ĐHSP Hà Nội, tr 110-122.
  2. Nguyễn Bá Kim (2007), “Những hình thức dạy học”, in trong Đổi mới nội dung và ph­ương pháp đào tạo giáo viên trung học cơ sở theo ch­ương trình CĐSP mới, Nxb ĐHSP Hà Nội, tr 135-148.
  3. Đặng Thành Hưng (2002), Dạy học hiện đại: lý luận-biện pháp-kỹ thuật, Nxb ĐHQGHN.
  4. Trần Bá Hoành (2007), “Giáo dục giáo viên - hiện trạng và xu hư­ớng phát  triển”, in trong Đổi mới nội dung và ph­ương pháp đào tạo giáo viên trung học cơ sở theo ch­ương trình CĐSP mới, Nxb ĐHSP Hà Nội, tr 18-55.
  5. Nguyễn Lai (1996), Ngôn ngữ với sáng tạo và tiếp nhận văn học, Nxb GD, HN.