I. Đặt vấn đề:
1. Chúng ta có một ngân hàng thời gian và đó là một thứ tài nguyên quí giá nếu như chúng ta biết khai thác tối ưu cho cuộc sống của mình. Trên thực tế không phải ai cũng có khả năng quản lí và tận dụng hiệu quả nguồn lực thời gian của bản thân, đặc biệt là giới trẻ. Đối với sinh viên, việc cân đối thời gian giữa học và giải trí; học và làm thêm, học và kết nối các quan hệ xã hội không phải là điều dễ thực hiện. Trong thời đại công nghệ thông tin ngày nay, sinh viên được trang bị rất nhiều kĩ năng nhằm đáp ứng kịp thời sự thay đổi và phát triển của chương trình giáo dục và đào tạo. Trong đó kĩ năng quản lí thời gian là một trong những kĩ năng quan trọng. Vì thế hình thành được kĩ năng quản lí thời gian hiệu quả là cần thiết, giúp sinh viên thành công trong học tập, rộng mở cánh cửa vào tương lai.
2. Hiện nay các trường cao đẳng, đại học chuyển sang hình thức đào tạo lấy người học làm trung tâm. Sự chủ động, tích cực của người học trong việc tìm tòi, nghiên cứu tài liệu để chiếm lĩnh kiến thức đóng vai trò quan trọng. Hơn nữa, hình thức đào tạo theo tín chỉ giảm thời lượng học trên lớp, gia tăng thời gian tự học tự nghiên cứu đòi hỏi sinh viên phải biết cách sử dụng và phân bổ thời gian một cách hợp lý để đảm bảo thực hiện tốt yêu cầu của chương trình đào tạo đồng thời còn tham gia các hình thức hoạt động khác nhằm phát triển toàn diện bản thân, rèn kĩ năng sống. Có thể nói kĩ năng quản lí thời gian là một trong những kĩ năng quan trọng cần truyền thụ cho sinh viên nhằm giúp họ tự tin trở thành những người làm chủ quá trình học tập và làm chủ cuộc sống của bản thân.
II. Xây dựng kĩ năng quản lí thời gian cho sinh viên
Theo Huỳnh Văn Sơn: “Quản lí thời gian nghĩa là biết hoạch định thời gian của mình đang có cho những mục tiêu và những nhiệm vụ thật cụ thể. Quản lí thời gian không có nghĩa luôn tiết kiệm thời gian mà là biết làm chủ thời gian của mình khi đặt những khoảng thời gian mình đang có trong một kế hoạch thật cụ thể và chi tiết” [1].
Kĩ năng quản lí thời gian có thể hiểu là khả năng, năng lực phân bổ, sắp xếp, hoạch định quĩ thời gian mình có một cách khoa học, hiệu quả đáp ứng mục tiêu đề ra.
Kĩ năng quản lí thời gian của sinh viên được hình thành trên cơ sở các kĩ năng như: kĩ năng phân bổ nguồn lực thời gian; kĩ năng lập kế hoạch; kĩ năng kiểm soát nguồn lực thời gian.
1. Kĩ năng phân bổ nguồn lực thời gian
Kĩ năng phân bổ nguồn lực thời gian là khả năng hoạch định được quĩ thời gian mình có, sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên cho các hoạt động của bản thân nhằm tận dụng triệt để chúng, mang lại kết quả tối ưu. Đối với sinh viên, quĩ thời gian được phân chia cho các hoạt động như hoạt động học tập; hoạt động ngoại khóa; hoạt động giải trí; hoạt động làm thêm. Cần xác định đúng đắn các mục tiêu dài hạn và ngắn hạn của bản thân, sinh viên sẽ chủ động trong việc phân bổ nguồn lực thời gian một cách triệt để và tối ưu.
1.1. Hoạt động học tập:
Học tập là hoạt động quan trọng nhất và chiếm phần lớn thời gian của sinh viên. Đó là thời gian học trên lớp và thời gian tự học, tự nghiên cứu ở nhà. Sinh viên dựa vào kế hoạch đào tạo các học phần có thể ước lượng được thời gian phải bỏ ra cho hoạt động này một cách cụ thể, chính xác để tránh tiêu phí thời gian vô ích.
- Thời gian học tập trên lớp: đây là thời gian bắt buộc sinh viên phải tham gia, theo thời khóa biểu quy định của Nhà trường. Thời gian này cần ưu tiên trước nhất để đảm bảo cho sinh viên tích lũy đủ lượng kiến thức phục vụ cho các kì thi. Đừng vì những hoạt động khác mà nghỉ học trên lớp dẫn đến kết quả thi kém, hoặc thi rớt buộc phải học lại, thi lại làm lãng phí nguồn thời gian quí giá của bản thân.
- Thời gian tự học, tự nghiên cứu: Đây là thời gian cho sinh viên thực hiện các nhiệm vụ học tập mà giảng viên giao cho hay sinh viên tự đề ra ngoài lớp học. Tự học được thể hiện dưới hình thức cá nhân hoặc theo nhóm; có thể tổ chức thành các buổi tọa đàm, thảo luận chuyên đề, sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt câu lạc bộ….. Đây là thời gian cần được chú trọng và dành thời lượng thích đáng mới giúp sinh viên giải quyết hết các nhiệm vụ học tập mà giáo viên giao cho. Nhiều sinh viên vẫn coi trọng việc học trên lớp mà xem nhẹ việc tự học, tự nghiên cứu dẫn đến kết quả học tập không cao, không hoàn thành được các nhiệm vụ học tập. Việc tự học cá nhân hay học nhóm cũng cần ước lượng thời gian cụ thể vào các buối, các ngày trong tuần và phân bổ đều cho các môn.
Với hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ, sinh viên cần xác định tỉ lệ thời gian học tập trên lớp và thời gian tự học tự nghiên cứu là 1:2. Sinh viên cần dành thời lượng gấp đôi cho hoạt động tự học được tổ chức đa dạng dưới nhiều hình thức như tự học cá nhân hoặc tự học nhóm-tổ. Cũng cần xác định thời gian học nhóm- tổ cho cụ thể và có nội dung nhiệm vụ học rõ ràng, tránh tình trạng dành quá nhiều thời gian cho học nhóm mà hiệu quả công việc không cao.
Hơn nữa sinh viên cần xác định cụ thể lượng thời gian tự học cho từng môn, lượng thời gian tự học cho từng module bài học căn cứ trên đơn vị đo là số tín chỉ. Chẳng hạn với một học phần 2TC (30 tiết) thì giờ tự học, tự nghiên cứu của sinh viên là 60 tiết. Đề cương chi tiết của từng học phần sẽ thể hiện rõ thời lượng học trên lớp, thời lượng tự học, tự nghiên cứu ngoài giờ lên lớp. Đề cương cũng sẽ chia nhỏ lượng thời gian học cho từng module nội dung kiến thức bên cạnh chỉ dẫn hoạt động học cho sinh viên. Đó chính là định hướng cho sinh viên lập kế hoạch học tập và thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra một cách hiệu quả, tránh học lan man không chủ đích, phung phí thời gian của bản thân.
1.2. Hoạt động ngoại khóa
Ngoài thời gian học tập, sinh viên cần dành nhiều thời gian để tham gia vào những hoạt động tập thể mang tính cộng đồng, xã hội, gắn với mục đích giáo dục, giúp rèn luyện toàn diện các kĩ năng sống. Các hoạt động ngoại khóa đối với sinh viên bao gồm các hoạt động chính trị-xã hội, các hoạt động văn hóa-văn nghệ, các hoạt động thể dục thể thao. Tham gia các hoạt động này là nhiệm vụ vì thế sinh viên phải sắp xếp nguồn thời gian. Tuy nhiên cần cân nhắc dành thời gian ưu tiên cho các hoạt động trọng tâm do khoa, trường tổ chức, tránh sa đà vào các hoạt động tự do bên ngoài nhà trường làm tiêu phí quĩ thời gian cá nhân.
1.3. Hoạt động giải trí
Sinh viên ngày nay thường tiêu phí khá nhiều thời gian vào các hình thức giải trí trên mạng Internet như chơi game, xem phim, nghe nhạc, chat với bạn bè. Nếu không xác định đúng mục tiêu bản thân, sinh viên sẽ để lượng thời gian này chiếm lĩnh quĩ thời gian của mình, làm giảm chất lượng các hoạt động quan trọng khác như hoạt động học tập. Hoạt động giải trí là cần thiết nhưng phải phân bổ thời gian hợp lí vào các thời điểm thích hợp trong ngày, hoặc trong tuần.
1.4. Hoạt động làm thêm:
Sinh viên dành thời gian đi làm thêm để tăng thu nhập hoặc tìm kiếm kinh nghiệm phục vụ cho nghề nghiệp trong tương lai. Cần xác định nhiệm vụ chính của sinh viên vẫn là học tập. Hoạt động làm thêm để tăng thu nhập chỉ nên dành một lượng thời gian nhất định trong tuần. Nếu sinh viên không cân đối thời gian sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động khác, đặc biệt là hoạt động học tập.
Tóm lại, sinh viên cần dựa vào mục tiêu bản thân và tầm quan trọng của các hoạt động mà phân bổ thời gian cho hợp lí trong đó hoạt động học tập chiếm thời lượng ưu tiên và diễn ra đều đặn giữa các ngày trong tuần. Các hoạt động khác cần phân bổ thời gian cho phù hợp, xen kẽ giữa các ngày trong tuần. Có thể minh họa sự phân bổ nguồn lực thời gian của sinh viên bằng biểu đồ sau, trong đó thứ tự ưu tiên dành cho phần màu đậm hơn:
2. Kĩ năng lập kế hoạch
Kĩ năng lập kế hoạch là khả năng hệ thống các công việc cần thực hiện một cách cụ thể, chi tiết; chỉ ra được các bước để thực hiện công việc tương ứng với các khoảng thời gian thích hợp. Kĩ năng lập kế hoạch hoạt động ở sinh viên trước tiên là khả năng lập kế hoạch hoạt động dài hạn và ngắn hạn để chủ động sử dụng hiệu quả nguồn lực thời gian.
- Kế hoạch dài hạn:
Sinh viên cần có năng lực hệ thống hóa lượng công việc cần thực hiện cho cả một khóa đào tạo chương trình học tập: tính theo năm học (3 năm hay 4 năm) Để lập được kế hoạch dài hạn, sinh viên cần thực hiện được các công việc sau:
+ Nắm tổng thể chương trình đào tạo: Chương trình đào tạo chính là số lượng các học phần tương ứng với số tín chỉ được phân bổ ở các học kì. Sinh viên cần ghi chú lại tổng thể các nội dung đào tạo mới có cơ sở dự trù thời gian hợp lí cho các hoạt động.
+ Chú ý đến các mốc sự kiện quan trọng để hoạch định thời gian:
Trong hoạt động học tập, sinh viên chú ý các mốc quan trọng như thi học kì, học các học phần ở học kì hè, tham gia các hội thi nghiệp vụ sư phạm, các cuộc thi Olympic; kiến tập và thực tập, khóa luận tốt nghiệp… Trong hoạt động ngoại khóa, sinh viên cần chú trọng khoanh vùng các sự kiện lớn cần ưu tiên thời gian tham gia như: Các hoạt động chào mừng 20/11; Đại hội thể dục thể thao; Hội trại 26/3; chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh….
+ Chú ý dự trù nguồn thời gian dự trữ cho hoạt động phát sinh như: học lại, thi lại…
+ Nắm các chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo như Ngoại ngữ, Tin học, Giáo dục quốc phòng, Giáo dục thể chất…và phân bố thời gian học cho hợp lí. Cần tránh trường hợp sinh viên chuẩn bị ra trường rồi mới biết thiếu các chứng chỉ rồi học gấp, học “tắt” để bổ sung cho đủ điều kiện xét tốt nghiệp.
- Kế hoạch ngắn hạn:
Bên cạnh kế hoạch dài hạn, sinh viên cần cụ thể hóa các hoạt động thông qua các kế hoạch ngắn hạn. Kế hoạch ngắn hạn là kế hoạch lập ra cho các hoạt động theo tuần/ theo tháng giúp sinh viên bám sát lượng công việc và lượng thời gian cần thực hiện. Để lập kế hoạch ngắn hạn hiệu quả, sinh viên cần tiến hành các bước như:
+ Dành khoảng 10-15 phút vào đầu mỗi tuần/mỗi tháng để liệt kê các công việc cần thực hiện trong ngày/trong tuần của từng tháng và quyết tâm thực hiện. Việc này sẽ giúp tăng hiệu suất làm việc và cân bằng những nhiệm vụ/công việc quan trọng với nhiệm vụ/công việc đang cần kíp.
+ Bám sát vào thời khóa biểu để triển khai các nhiệm vụ học tập theo tuần, theo tháng.
+ Nắm các kế hoạch hoạt động ngoại khóa theo tuần/ theo tháng của khoa/ trường để linh động sắp xếp thực hiện.
+ Ưu tiên hóa công việc (lập lịch cho các việc ưu tiên):
Đặt ưu tiên cho danh sách việc phải làm giúp sinh viên tập trung thời gian hơn cho những việc thực sự quan trọng. Dựa vào mức độ ưu tiên cho mỗi việc sinh viên sẽ biết phân bổ thời gian sao cho hợp lý để hoàn thành các nhiệm vụ, từ những việc có ưu tiên cao nhất đến những việc ít ưu tiên hơn.
+ Xác định việc quan trọng, chia nhỏ giải quyết trình tự từng việc :
Sinh viên cần chia các công việc khó, phức tạp thành những việc nhỏ với khoảng thời gian tương ứng, rải đều ra các ngày/ các tuần/ các tháng để thực hiện thuận lợi, tránh dồn việc, làm gia tăng áp lực lên một số thời điểm quan trọng như kiểm tra, thi cử. Chẳng hạn, các học phần học trên lớp đến đâu ôn luyện và thực hiện các nhiệm vụ giáo viên giao cho đến đấy, không để đến gần thi mới mang ra. Khóa luận tốt nghiệp chiếm lượng lớn tín chỉ cho nên cần lên kế hoạch thực hiện dần, rải đều qua các tháng, không để đến tháng cuối mới làm dẫn đến kết quả không cao.
Học trên lớp |
|
|
|
|
|
|
|
Tự học |
|
|
|
|
|
|
|
HĐ ngoại khóa |
|
|
|
|
|
|
|
HĐ giải trí |
|
|
|
|
|
|
|
Làm thêm |
|
|
|
|
|
|
|
Biểu mẫu về quản lý thời gian trong tuần (mẫu 1)
Thứ 2 |
|
|
|
|
Thứ 3 |
|
|
|
|
Thứ 4 |
|
|
|
|
Thứ 5 |
|
|
|
|
Thứ 6 |
|
|
|
|
Thứ 7 |
|
|
|
|
Biểu mẫu về quản lý thời gian trong tuần (mẫu 2)
Như vậy việc đặt ra kế hoạch dài hạn và ngắn hạn giúp sinh viên làm chủ nguồn lực thời gian của bản thân, không bỏ sót các việc quan trọng, biết cân đối giữa các hoạt động trọng tâm và các hoạt động khác. Tuy nhiên sinh viên cũng cần linh hoạt điều chỉnh các hoạt động phát sinh hằng ngày, luôn có thời gian dự phòng để thực hiện tốt các đầu công việc.
3. Kĩ năng kiểm soát nguồn lực thời gian
Để quản lý thời gian hiệu quả, sinh viên cần phải kiểm tra quá trình tiến hành các hoạt động của mình bằng nhiều hình thức, sử dụng các công cụ quản lý thời gian để hỗ trợ.
- Đơn giản nhất là dùng một cuốn sổ tay liệt kê các việc phải thực hiện tương ứng với khoảng thời gian nhất định đã đề ra. Buổi tối sinh viên dành ra 5 phút để kiểm tra lại, đánh dấu vào các việc đã làm được và chưa làm được. Sau đó bổ sung những việc chưa làm được vào kế hoạch ngày hôm sau.
- Một cuốn lịch để bàn cũng sẽ rất hữu hiệu trong việc nhắc lịch cho sinh viên. Trên cuốn lịch, sinh viên có thể ghi các việc cần thực hiện tương ứng với các ngày trong tuần. Những sự kiện quan trọng cần đánh dấu để nhắc nhớ bản thân. Cuối ngày, sinh viên chỉ cần mang lịch ra đối chiếu, đánh dấu các việc đã làm và ghi chú lại các việc chưa thực hiện được để bổ sung vào lịch ngày hôm sau.
- Việc tiếp cận với các công nghệ tiên tiến cũng có thể giúp sinh viên ứng dụng rất hiệu quả vào việc kiểm soát nguồn lực thời gian. Các phần mềm xây dựng thời gian biểu như Google Calendar, Outlook có thể giúp lên lịch công việc và sự kiện một cách dễ dàng và sử dụng các thiết bị di động như điện thoại, ipad… để nhắc nhở trước khi sự kiện diễn ra.
Công cụ quản lí thời gian hoạt động (Mẫu 1)
Công cụ quản lí thời gian hoạt động (Mẫu 2)
4. Hình thành thói quen tích cực
Ý thức dẫn dắt hành động, thói quen tích cực dẫn lối thành công. Muốn xây dựng được kĩ năng quản lí thời gian, sinh viên cần hình thành các thói quen tích cực. Nếu không, việc phân bổ nguồn lực thời gian hay việc lập kế hoạch hoạt động cũng chỉ vô ích, không áp dụng được vào thực tế. Các thói quen tích cực sinh viên cần rèn luyện bao gồm:
1. Xác định các mục tiêu của bản thân.
2. Tạo thói quen lập kế hoạch công việc và cam kết thực hiện
3. Sắp xếp thứ tự ưu tiên cho công việc
4. Ước lượng thời gian cho từng công việc
5. Tập trung cao độ khi làm việc, tránh các tác nhân làm xao nhãng
6. Thực hiện phương châm “giờ nào việc nấy”
7. Đưa ra thời hạn hoàn thành cho từng công việc (deadline)
8. Tận dụng mạng xã hội cho công việc
9. Tạo thói quen kiểm tra các công việc đã thực hiện
III. Kết luận
Bài viết nhằm góp phần xây dựng kĩ năng quản lí thời gian cho sinh viên cao đẳng và đại học trong đào tạo theo học chế tín chỉ ngày nay. Kĩ năng quản lí thời gian bao gồm kỹ năng phân bổ nguồn lực thời gian, kĩ năng xây dựng kế hoạch, và kĩ năng kiểm soát nguồn lực thời gian. Đồng thời bài viết cũng giới thiệu các thói quen tích cực giúp sinh viên rèn luyện để đạt kết quả cao trong việc xây dựng kĩ năng quản lí thời gian của bản thân một cách hiệu quả.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Huỳnh Văn Sơn (2009), Nhập môn kỹ năng sống, Nxb Giáo dục.
2. Văn Tân (2000), Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, Nxb Thanh Hóa.
3. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - Huỳnh Văn Sơn, Thực trạng kỹ năng sống của sinh viên một số trường đại học tại TP Hồ Chí Minh hiện nay. (Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TP HCM Số 28 năm 2011).
Ths. Ngũ Nhị Song Hiền - Tổ Tiểu học, Khoa Sư phạm